Share this story


 | Doug Culp

Phép Thánh Thể và Đức tin Người Trưởng Thành

Giáo Lý Công giáo (GLCG) quy định rằng người những trưởng thành “có quyền và có bổn phận phải trau dồi hạt giống Đức tin do Chúa đã gieo vào lòng và làm cho nó trưởng thành.” Vậy, Đức  tin trưởng thành là Đức tin thế nào? Sách Giáo Lý cũng dạy rằng đó là một Đức tin sống động, rõ ràng, và mang lại kết quả. Hội Đồng Giám Mục Hoa kỳ còn cho ta hiểu hơn về những yếu tố của một Đức tin trưởng thành qua bản Kế Hoạch Mục Vụ mang tên “Lòng Ta Bừng Cháy, “ (Our Hearts Were Burning Within Us).

 

Đức Tin Sống Động

Theo Bản Kế Hoạch Mục Vụ, Đức tin tự bản chất đã là sống động, vì không những được Chúa ban cho nhưng không mà còn được con người nhận lãnh ân huệ này.  Chính vì có sự đáp trả của con người, đời sống Đức tin phản ảnh sự sống của con người.  Đức tin lớn lên, phát triển, học hỏi, và có khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh.

Đức tin sống động cũng là một Đức tin tìm kiếm. Thánh An-sel-mô Canterbury, một Cha Dòng Bê-nê-dic-tô vào thế kỷ 11,  đã tóm gọn bản chất trưởng thành này của Đức tin bằng câu nói bất hủ: “Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết.”  Cha Lawrence Hennessy, giáo sư niên trưởng Phân khoa Thần Học thuộc Đại Chủng Viện St. Mary of the Lake/Mundelein, thường nói với các chủng sinh Ngài dạy bằng câu nói dí dỏm này: “Đức tin của Bạn không lớn lên nếu Bạn chẳng muốn biết.” Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã cho biết về sự hiểu biết mà chúng ta nói ở đây trong một buổi triều yết vào năm 2014 khi Ngài nói rằng đó không phải là một sự hiểu biết thông thường của con người, nhưng là sự hiểu biết do ơn Chúa Thánh Linh và làm cho chúng ta hiểu biết sự cao cả của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. (21 tháng 5)

Văn kiện “Lòng Ta Bừng Cháy” cũng dạy chúng ta rằng Đức tin sống động là một Đức tin biết nhận ra vai trò của tội lỗi trong đời sống của chúng ta.  Do đó, Đức tin sống động thể hiện bản chất cần được hoán cải và canh tân, nhất là qua các Phép Bí tích.  Sau cùng, Đức tin sống động luôn khao khát đời sống vĩnh cửu.  Đức tin sống động lúc nào cũng trăn trở giữa thế giới hữu hạn và vô hạn, nhưng không tìm cách thoát ra khỏi cái trăn trở này.  Ngược lại, Đức tin sống động luôn được thúc đẩy trong công việc mang lại hòa bình và công lý cho thế giới vì người ấy mong mỏi được sống trong nuớc Chúa.

Đức Tin Thể Hiện Rõ Ràng

Một Đức tin trưởng thành “rõ ràng thể hiện một liên hệ mật thiết với Chúa Giê-su.” (55) Mối liên hệ với Chúa Giê-su tự nhiên làm cho người ấy sống mật thiết hơn và “công khai tuyên xưng Chúa Ba Ngôi.” (56) Kế Hoạch Mục Vụ còn đi xa hơn và xác định rằng sự hiệp nhất với Thiên Chúa Cha, với Chúa Con, và với Chúa Thánh Thần là tát cả đời sống Ki-tô hữu.  Sự liên hệ với Thiên Chúa Ba Ngôi được thể hiện rõ ràng nơi các Cộng đồng Ki-tô hữu.  Một Đức tin trưởng thành tự bản chất thuộc về Giáo Hội và thể hiện cuộc sống, những giáo huấn và sứ mệnh của Giáo Hội.  Ngoài ra, Đức tin của người ấy ngày càng thể hiện rõ ràng hơn một khi người ấy trưởng thành hơn trong mọi liên hệ nói trên vì sự liên hệ làm cho người ấy tự tin hơn.  Về phương diện này, chúng ta có thể nói rằng một Đức tin trưởng thành là một Đức tin chứng nhân và là một Đức tin truyền giáo.

Đức Tin Mang lại Kết Quả

Một Đức tin trưởng thành mang lại kết quả khi người mang Đức tin sống kết hợp với Chúa Thánh Thần.  Chính Chúa Thánh Thần là nguồn mang lại hoa trái của Ngài, như đã được ghi trong Thư Thánh Phao-lô gủi cho Giáo đoàn Ga-lát (5: 22-23).  Đức tin, một khi trưởng thành, làm cho người mang Đức tin nhận ra các hành động và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, như được ghi trong Kế Hoạch Mục Vụ: “Nơi nào có Chúa Thánh Thần tác động thì nơi ấy mang lại nhiều hoa trái.” (60)

Dĩ nhiên, điều này có nghĩa là Đức tin mang lại kết quả phải thực tế.  Chẳng hạn như các hành động công lý và bác ái qua việc giúp đỡ những người nghèo khó, những lời cầu nguyện thiết tha, và việc truyền giáo bằng đời sống chứng nhân cho lời Chúa trong các công tác bác ái và công lý là những dấu chỉ cho thấy Chúa Thánh Thần hiện diện trong người có Đức tin trưởng thành.

Phép Thánh Thể và Đức Tin Trưởng thành

Giáo Lý dạy rõ ràng về sự liên hệ giữa Phép Thánh Thể và đời sống Đức tin trưởng thành. Một Đức tin trưởng thành trước hết là một sự kết hợp mật thiếtt với Chúa Ki-tô. Việc tham dự Thánh lễ và Rước lễ mang chúng ta lại gần với Chúa Giê-su.  Một người có Đức tin trưởng thành được nhìn thấy là người sống trong Chúa Thánh Thần, là  Đấng luôn mang lại hoa trái.  Phép Thánh Thể nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của chúng ta nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần để gìn giữ, gia tăng, và canh tân đời sống ân sủng mà chúng ta đã nhận được khi chịu Phép Rửa tội.

Một Đức tin trưởng thành luôn nhận ra tội lỗi và nhu cầu cần tha thứ.  Mỗi lần chúng ta rước lễ là chúng ta tuyên xưng việc Chúa Ki-tô chịu chết trên Thập già để tha thứ tội lỗi.  Một người có Đức tin trưởng thành và năng động luôn tìm cách đáp ứng nhu cầu của những người cần được giúp đỡ, vì lòng yêu thương.  Qua Phép Thánh Thể, Chúa Ki-tô đã tự hiến chính mình, và nhờ dó phục hồi và tăng lòng bác ái của chúng ta cho những người nghèo khó.  Phép Thánh Thể mang lại một đời sống bác ái và có thể rửa sạch những tội nhẹ và giúp ta tránh khỏi những tội nặng trong tương lai.  Phép Thánh Thể còn giúp ta sẵn sàng nhận ơn Chúa Thánh Thần là Đấng duy nhất ban cho hoa trái Đức tin.

Một Đức tin trưởng thành thực sự sống trong Giáo Hội.  Phép Thánh Thể “làm nên Giáo Hội.”Qua việc sống kết hợp với Chúa Ki-tô, chúng ta cũng kết hợp với thân thể của Ngài là Giáo Hội.  Việc Rước lễ “canh tân, tăng cường sức mạnh cho chúng ta, và giúp chúng ta kết hợp với Giáo Hội một cách sâu xa hơn.”  Phép Thánh Thể còn giúp ta liên kết một cách đặc biệt với các Ki-tô hữu khác, vì ta luôn cầu nguyện để cho mọi người được hiệp nhất. (GLCG 1396)

Nói tóm lại, toàn thể đời sống thiêng liêng tốt đẹp của Giáo Hội, tức Chúa Ki-tô, là ở trong Phép Thánh Thể.  Phép Thánh Thể là dấu chỉ hiệu nghiệm và là nguyên nhân siêu phàm về sự kết hợp của  đời sống thiêng liêng và sự hiệp nhất của dân Chúa nhờ đó mà Giáo Hội tiếp tục hiện hữu. (GLCG 1325).  Nếu Thánh Au-gus-ti-nô đã có lý khi cho rằng chúng ta trở nên những gì chúng ta yêu mến, thì chúng ta không thể hy vọng hoàn tất nhiệm vụ của chúng ta một cách tốt đẹp làm cho hạt giống Đức tin của chúng ta trở nên trưởng thành nếu như không có Phép Thánh Thể là “nguồn và là đỉnh cao nhất của đời sống Ki-tô hữu.”


Danh ngôn đáng nhớ

Ai đã nói điều sau đây…

“Nếu các Thiên thần có ganh tỵ với loài người thì chỉ là vì Phép Thánh Thể.”

  1. Thánh Gioan Vianney
  2. Thánh Maximilian Kolbe
  3. Thánh Thomas Aquinas
  4. Thánh Gioan Phao-lô II

 

Trả lời: Thánh Maximilian Kolbe