Share this story


 |

Luyện Tập trong Yêu Thương: Mục Vụ Thánh Nhạc

Hành Trình Trở Thành Ca Nhạc Trưởng của Tamami Honma tại Giáo Xứ Saint Simon

“Tôi đã thực sự bắt đầu học âm nhạc trên đàn vĩ cầm từ năm lên ba tuổi, nhưng mẹ tôi dạy dương cầm, vì vậy tôi đã chuyển sang học dương cầm khi tôi bốn tuổi. Vào thời điểm đó, có một triết lý nuôi dạy con cái mạnh mẽ chống lại việc trẻ em học hai thứ cùng một lúc.” Nửa thế kỷ sau khi chuyển sang học dương cầm, Tamami Honma, ca nhạc trưởng giáo xứ tại Giáo Xứ Saint Simon ở Los Altos, thách thức quan niệm cho rằng làm nhiều hơn một việc cùng một lúc là quá sức. Thay vào đó, điều này có nghĩa là thỏa sức phát huy tài năng âm nhạc, mục vụ và truyền giáo, đồng thời vượt xa hơn bất cứ kỳ vọng nào về bản thân mà cô đã đặt ra.

Tamami dạy tại phân khoa Âm Nhạc của Đại học Stanford và Đại học Santa Clara. Ngoài việc biểu diễn quốc tế và dạy các lớp nhạc nâng cao, gần đây cô đã trở thành nghệ sĩ dương cầm đầu tiên thu âm toàn bộ 35 bản sonata của Beethoven trên đàn dương cầm hiện đại. Cô chia sẻ với The Valley Catholic: “Đó là một vinh dự lớn lao”. Cô thành lập và chỉ đạo Cal Arte Ensemble địa phương trong khi dạy dương cầm và huấn luyện riêng về nhiều loại nhạc cụ, bao gồm cả luyện giọng. Cô và bốn người con của mình cũng cống hiến tài năng cho nhiều nhà thờ địa phương trên khắp thung lũng.

Nhạc Công

Vào năm bốn tuổi, trong khi sống tại Nhật Bản, Tamami đã tham gia cuộc thi có giáo sư Đại Học Brigham Young làm giám khảo. Honma chia sẻ những gì xảy ra tiếp theo: “Bằng cách nào đó, ông ấy đề cập với mẹ tôi rằng nếu chúng tôi đến sống ở Mỹ, chúng tôi nên tìm hiểu về trường Đại Học này. Chưa đầy một năm sau, mẹ tôi đã mang theo hai cây đại dương cầm và chúng tôi đến gõ cửa nhà ông ấy tại Utah.” Khi ở Utah, Tamami mô tả: “Có vẻ như chơi dương cầm là một điều rất bình thường, và hầu hết trẻ em đều học đủ để có thể chơi dương cầm trong nhà thờ”. Mặc dù thường xuyên tham gia các cuộc thi âm nhạc, cô chia sẻ rằng thật khó để tìm được sự gắn kết thực sự: “Tôi cảm thấy khá lạc lõng, vì vậy tôi không ngại tiếp tục và chuyển đến New York để bắt đầu giai đoạn đào tạo tiếp theo ở tuổi 16.”  

Khi ở New York, cô đã thử giọng và được chấp nhận làm học trò của Byron Janis, người được mọi người biết đến với danh hiệu Nghệ Sĩ Dương Cầm Theo Trường Phái Lãng Mạn trước khi qua đời vào tháng 3 năm nay. Cô làm bạn với vợ của Byron, con gái của huyền thoại Hollywood Gary Cooper, Maria Cooper Janis. Làm việc với cặp đôi này cũng đánh dấu lần đầu tiên Tamami làm việc với người Công Giáo sùng đạo, Maria, và người Do Thái, Byron. “Họ khiến tôi cảm thấy thoải mái như ở nhà và giúp tôi coi việc trở thành nhạc công là điều tự nhiên nhất.”  Họ cũng quan tâm đến sức khỏe tinh thần và tâm linh của cô. Maria giới thiệu những cuốn sách như Hoàng Tử Bé của Antoine de Saint-Exupéry, một tác phẩm kinh điển đầy biểu tượng của đạo Thiên Chúa. 

Mục Vụ

Hành trình âm nhạc của Tamami là hành trình của tình yêu; cô nhận định: “Trong mối quan hệ với âm nhạc, bạn nhận lại nhiều hơn những gì bạn cho đi.” Tamami lấy cảm hứng sâu sắc từ nhà soạn nhạc Baroque Johannes Sebastian Bach của thế kỷ 18. “Với tôi, âm nhạc của ông chạm đến sự thiêng liêng, và ông đã soạn nhiều tác phẩm thánh nhạc, nhưng cũng có cả nhạc đời. Tình yêu của tôi dành cho âm nhạc của Bach cũng là động lực to lớn thúc đẩy tôi muốn tiếp tục tìm kiếm sự thiêng liêng.” Nhiều nghệ sĩ tìm kiếm sự thiêng liêng bằng cách theo đuổi sự hoàn hảo trong âm nhạc. Qua âm nhạc, trải nghiệm ban đầu về Chúa khắc sâu trong ký ức của Tamami. “Tôi đã có rất nhiều thời gian để luyện chơi đàn. Tôi luôn cảm thấy có sự hiện diện của Chúa; Tôi luôn có Chúa.” 

Khi Honma khẳng định mình là một nghệ sĩ và một người mẹ, cô đã khám phá ra mối tương quan vui tươi giữa tình yêu, âm nhạc và cuối cùng là mục vụ của cô; như cô nói: “Bạn càng học cách yêu gia đình, bạn bè, yêu thiên nhiên, yêu Chúa, thì tình yêu âm nhạc của bạn càng lớn lao.” Cô đã đến California vào năm 2008 và trở thành ca nhạc trưởng của Giáo Xứ St. Simon vào năm 2017.

Tại Giáo Xứ Saint Simon, Tamami thấy mình được truyền cảm hứng nhiều nhất khi chứng kiến ​​khả năng thanh nhạc của các ca viên phát triển và âm nhạc của họ thăng hoa nhờ đức tin. Cô tự hào nói về ca đoàn hợp xướng giáo xứ của mình. “Giáo Xứ Saint Simon có một số ca viên nội bộ xuất sắc đã trưởng thành từ các chương trình hợp xướng và giờ đây chúng tôi còn nhận được yêu cầu cử ca trưởng đến biểu diễn trong những dịp đặc biệt”.  Đối với cô, trải nghiệm này gợi nhớ đến thời gian ở Utah, nơi các nhà thờ là trung tâm đào tạo âm nhạc chính. Cô đã thảo luận về ý nghĩa của điều này đối với gia đình mình: “Giáo Xứ Saint Simon thật may mắn khi có thể mang đến nhiều bản nhạc đệm cho dàn nhạc: đôi khi đó là những đứa con âm nhạc của chính tôi.” 

Luyện Tập trong Yêu Thương

Honma nói ca đoàn như những nơi an toàn cho các ca viên và nhạc công ở mọi lứa tuổi. “Trong một ca đoàn, khi bạn học nhạc, bạn đang dang rộng đôi cánh của mình. Nếu một người ngã, tất cả chúng tôi đều ngã và cùng nhau đứng dậy. Đây chính là môi trường mà các nhạc công cần.” Cộng đồng nhỏ xây dựng sự tự tin này không chỉ giúp cho việc phụng vụ tốt hơn, hấp dẫn hơn mà còn giúp tạo nên sự gắn kết gia đình đầy bất ngờ. Theo kinh nghiệm của cô: “Các bậc phụ huynh cũng tham gia và họ rất vui mừng khi trải nghiệm điều này cùng với con cái với tư cách là ca trưởng trong Thánh Lễ. Điều đó thật tuyệt vời.”

Tamami khẳng định mạnh mẽ điều này: “Là những bậc cha mẹ, điều chúng tôi khao khát nhất chính là chứng kiến con cái mình trưởng thành và tỏa sáng trong lĩnh vực âm nhạc. Khi các con được phát triển trong một môi trường mà các con cảm thấy được chấp nhận, tôi tin chắc rằng các con sẽ háo hức tham gia những buổi lễ này.”  Với sự phát triển của công nghệ ngày nay, các ca đoàn cũng có thể diễn tập từ xa, như trong thời kỳ đại dịch khi Tamami tổ chức các buổi diễn tập hợp xướng trực tuyến hàng tuần cho các gia đình. Những trải nghiệm này đã dẫn đến việc Tamami khẳng định vai trò của mình là một nhạc trưởng ca đoàn hợp xướng. Cô đã giải thích thêm về niềm tin của mình: “Mục vụ Thánh Nhạc giống như một khoa học về lòng trắc ẩn và lòng tốt. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều hạnh phúc hơn khi biết rằng chúng ta là những tâm hồn kết nối, không còn cô đơn và âm nhạc là thứ có thể gắn kết chúng ta lại với nhau. Đó là một sự luyện tập trong yêu thương.”

Thánh Lễ

Trong hành trình của Tamami, sứ mệnh môn đệ đã tác động đáng kể đến đức tin của cô. “Cho đến nay, tôi đã phục vụ trong hơn một nghìn buổi lễ, và có nhiều điều trong thời gian này khiến tôi cảm thấy sự can thiệp của Chúa hoặc một cuộc gặp gỡ với Chúa. Tôi cảm thấy mục vụ Thánh Nhạc luôn là sứ mệnh của mình.”  Cô chia sẻ rằng vai trò tại Saint Simon là chuyên sâu và lâu dài nhất trong bất kỳ nhà thờ nào mà cô từng phục vụ. Mặc dù lúc ban đầu, cô chỉ coi đó là một công việc, nhưng giờ đây cô nói: “Tôi mong được lắng nghe các bài giảng của các linh mục mà tôi đã quen biết trong nhiều năm qua”.

Cô kể lại một ví dụ phụng vụ gần đây về khoảnh khắc giao thoa giữa âm nhạc và Thánh Lễ. “Chúa Nhật tuần trước, bài giảng của Cha Đạt được lồng ghép một cách tinh tế vào âm nhạc, thể hiện chính xác cả về tinh thần lẫn lời nói. Sau Thánh Lễ, Cha đã hào hứng đến xem chúng tôi có nhận ra điều đó không! Và đó chỉ là một khoảnh khắc tuyệt vời mà ca đoàn chia sẻ với Cha. Đó là khoảnh khắc của Chúa Thánh Thần!”  

Âm Nhạc như Sứ Mệnh Người Môn Đệ

Cô giải thích: “Âm nhạc có sức mạnh mà bạn không thể nhìn thấy, nhưng sức mạnh đó có thể nắm bắt được, chạm đến nội tâm sâu sắc và có tác động trực tiếp; mỗi giai điệu đều mang đến ký ức. Có người từng nói với tôi, và tôi hoàn toàn đồng ý, rằng bạn có thể đang ở trong một cửa hàng hay bất kỳ đâu, bỗng nhiên một giai điệu vang lên trong tâm trí. Và thật kỳ diệu, bạn có thể nhớ rất rõ giai điệu của điệp khúc thánh ca hay bất kỳ bài hát nào mà chúng ta đã cùng nhau cất lên. Nói cách khác, thông qua âm nhạc, các nội dung của phụng vụ đều được lưu giữ trong ký ức của bạn.” Đối với Tamami, đây là lời nhắc nhở sâu sắc rằng âm nhạc là mục vụ vui tươi nhưng nghiêm túc.

Tamami quyết tâm tiếp tục cống hiến tài năng thông qua giai điệu thánh thiêng. “Tôi càng cảm thấy sâu sắc hơn rằng nghĩa vụ đạo đức của chúng ta là truyền tải âm nhạc cho thế hệ mai sau bằng sự chân thành, vui vẻ, tôn trọng và kỷ luật. Khi chúng ta cuối cùng đã sẵn sàng phụng vụ trong mục vụ Thánh Nhạc, trái tim chúng ta đã sẵn sàng để vinh danh Chúa và chúng ta mang trong mình lòng biết ơn sâu sắc đối với Chúa.” Qua bài viết này, Tamami gửi đến tất cả các độc giả là nhạc công thông điệp: mục vụ Thánh Nhạc là sự hòa quyện giữa thực hành, tài năng và tâm linh. Cô giải thích: “Bạn không nhất thiết phải có quan điểm tâm linh theo tôn giáo, nhưng tôi tin rằng âm nhạc giúp bạn hiểu được cảm giác chạm vào một điều gì đó thiêng liêng.”

Đó vừa là trách nhiệm cá nhân, vừa là niềm vui cá nhân lớn lao. “Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc hơn sau khi chơi nhạc trong Thánh Lễ. Đó là trải nghiệm cá nhân và chúng tôi đã dành nhiều tâm huyết vào đó.”  Cô hy vọng các giáo dân sẽ thể hiện niềm vui này trọn vẹn. Cô muốn nói điều này với tất cả những người Công Giáo: “Đây là thông điệp tôi muốn gửi đến độc giả: hãy cất vang lời ca! Bạn sẽ cảm nhận rõ rệt niềm hạnh phúc khi hát. Khi toàn thể nhà thờ cùng cất cao giọng hát, đó là thanh âm đẹp đẽ mà không có thanh âm nào trên thế giới có thể sánh bằng.”


Tamami Honma là ca nhạc trưởng của giáo xứ tại Nhà Thờ Giáo Xứ Công Giáo St Simon tại Los Altos và giảng viên khoa Âm Nhạc tại Đại Học Stanford. Cô thích dành thời gian bên gia đình, thử nghiệm các công thức nấu ăn mới, kết nối với bạn bè mới và giải các câu đố hàng ngày của NYT.