Share this story


 | Cha Angelbert Chikere

Suy Ngẫm Mùa Chay – Tình Yêu Chuyển Hóa Lòng Thù Hận

Chế Độ Nô Lệ và Những Hệ Lụy

Trong Tuần Thánh năm 2024, một số giám mục từ khắp cả nước, bao gồm Giám Mục Oscar Cantú, đã đến Montgomery, Alabama, trong 3 ngày 2 đêm để tham dự trải nghiệm Mùa Chay do Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB) phối hợp với Mạng Lưới Vận Động Công Giáo tổ chức. Qua sự kiện này, mọi người sẽ có cơ hội đào sâu và hiểu rõ hơn thực tế của chế độ nô lệ cũng như những hệ lụy của chế độ này trong lịch sử của đất nước chúng ta. Cha Angelbert cũng đến tham dự.

Ở Cameroon, nơi tôi lớn lên, có một công trình nhô ra khỏi bờ biển Đại Tây Dương, tại Bãi Biển Down Beach, Limbe. Đối với tôi, nó luôn giống như cây cầu bị bỏ hoang.  Tôi thường tự hỏi có gì ở phía bên kia của “cây cầu” cũ kỹ, gỉ sắt và gãy đổ này.

Từ cậu bé 8 tuổi hiếu kỳ bên bờ biển, phải mất 15 năm sau tôi mới biết những gì còn sót lại của công trình đó là tàn tích của một giàn giam giữ tổ tiên của tôi trên mặt biển trong khi chờ tàu buôn nô lệ. Hầu hết trong số họ không biết bơi vì họ sống trong đất liền. Sau đó, vào năm ngoái, trong Mùa Chay 2024, khi đứng trước Bảo Tàng Di Sản tại Montgomery, Alabama, tôi nhận ra rằng tôi đang đứng phía bên kia của cây cầu đó.

Cuộc Hành Hương đến Montgomery và Selma

Trong suy tư cá nhân, nhiều người tham gia gọi cuộc hành hương này là khoảng thời gian tĩnh tâm để chiêm nghiệm và chia sẻ. Các giám mục, cùng một số linh mục và giáo dân đồng hành, đã mở rộng trái tim và tâm trí để tìm hiểu về lịch sử đầy đau thương này của Hoa Kỳ mà những hệ lụy của nó vẫn tiếp tục gây đau khổ và tổn thương cho xã hội của chúng ta.

Chúng tôi đã đến thăm Bảo Tàng Di Sản, nơi ghi lại hành trình lịch sử qua những câu chuyện về chế độ nô lệ, phân biệt chủng tộc, dân quyền và giam giữ hàng loạt. Sau đó, chúng tôi tham quan Đài Tưởng Niệm Hòa Bình và Công Lý Quốc Gia, nơi tưởng niệm những nạn nhân bị hành hình không qua xét xử. Trong cuộc trò chuyện sâu sắc với ông Bryan Stevenson, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Sáng Kiến Công Lý Bình Đẳng, ông đã nhấn mạnh quan niệm sai lầm cho rằng Người Da Đen thấp kém đã từng thúc đẩy niềm tin chấp nhận chế độ nô lệ. Ông đã liên hệ điều này với việc xã hội ngày nay “gán ghép sự nguy hiểm” khi những Người Da Màu được coi là có mối nguy hiểm nhiều hơn so với những người có phẩm giá, đã khiến rất nhiều Người Da Màu bị giam giữ một cách bất công.

Tiếp nối hành trình, chúng tôi đến Selma, tại đó, chúng tôi đã chân thành lắng nghe chia sẻ của bà JoAnne Bland, nhà hoạt động dành cả đời để đấu tranh cho Dân Quyền. Lớn lên dưới chế độ Jim Crow ở miền Nam, bà đã tham gia các cuộc diễu hành từ Selma đến Montgomery vào năm 1965.  Trong suốt hành trình đến Selma, chúng tôi đã dừng chân tại St. Jude, Nhà Thờ Công Giáo và thị trấn nơi những người diễu hành vì Dân Quyền cắm trại trước chặng cuối của cuộc diễu hành kéo dài 54 dặm đến Montgomery. Cùng với một số người địa phương, những người tham gia tại Lenten đã cùng nhau cầu nguyện Chặng Đàng Thánh Giá.

Con Bê Bằng Vàng Chất Chứa Lòng Thù Hận

Vào ngày cuối cùng của trải nghiệm sâu sắc và thiêng liêng này, chúng tôi đã ghé thăm Đài Tưởng Niệm Hòa Bình và Công Lý Quốc Gia. Mọi người đã có khoảng lặng để suy ngẫm trước khi quy tụ để dự buổi Thánh Lễ cuối cùng tại Nhà Thờ St. Peter’s tại Montgomery, do Giám Mục Oscar Cantú chủ tế. Các bài đọc trong Thánh Lễ được trích từ sách Đa-ni-ên, kể về sự kiên trung của Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-nê-gô, những con người chính trực, đã không tuân lệnh Vua và sẵn sàng trả giá đắt nhất vì từ chối thờ pho tượng vàng.

Những lời họ nói với Vua Nê-bu-cát-nết-sa đã gây ấn tượng với tôi. “Dầu chẳng vậy, hỡi Vua, xin biết rằng chúng tôi không hầu việc các thần của Vua và không thờ phượng pho tượng vàng mà Vua đã dựng” (Dn 3:16-18 NABRE).  Trong bài giảng, Giám Mục Cantú đặt ra câu hỏi: “Pho tượng vàng đó hiện nay là gì vậy?” Cha lưu ý rằng hiện tại chúng ta đang đối mặt với “…một pho tượng vàng chất chứa lòng thù hận…” và cha mời gọi chúng ta học hỏi từ những Nhà Hoạt Động Dân Quyền đã quỳ gối và cầu nguyện một cách hòa bình trong cuộc diễu hành từ Selma. Khi đối mặt với bạo lực tàn khốc, những hành động của họ có thể được coi là tình yêu.

Thuở nhỏ, tôi đã chơi dưới một đầu của một “cây cầu” cũ kỹ, gỉ sắt và gãy đổ ở Cameroon. Ngày nay, với tư cách là một linh mục, tôi phục vụ ở phía bên kia của cây cầu, đầu kia của hành trình mà tổ tiên tôi từng đi qua, khi họ bị đưa đến đây trong thân phận những người nô lệ. Thế hệ chúng ta phải xây dựng một cây cầu mới không dẫn đến sự khuất phục, phi nhân tính hay thù hận.  Đó phải là cây cầu của tình yêu. Hoạt động xã hội chấp nhận được duy nhất hiện nay là chuyển hóa lòng thù hận bằng tình yêu thương; đó là nền móng để dựng xây nên cây cầu mới. Giữa một xã hội vẫn còn mang những nỗi đau về chủng tộc – dù hữu hình hay vô hình – và những vết sẹo từ vết thương chưa lành của chế độ nô lệ tại đất nước chúng ta, tôi đã suy ngẫm về điều này: thời điểm để tái thiết chính là bây giờ.


Cha Angelbert Chikere là Giám Đốc Sự Sống, Công Lý và Hòa Bình của Giáo Phận San José. Cha hiện đang theo học lấy bằng Tiến Sĩ Khoa Học Xã Hội, tập trung vào Phẩm Giá Con Người và Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo. Cha thích gặp gỡ mọi người và chia sẻ những kinh nghiệm sống.