Bạn Sẽ Nói Gì Khi Một Đồng Nghiệp Hỏi Về Việc Theo Đạo Công Giáo?
Để đẩy mạnh nỗ lực truyền giáo của chúng ta, chuyên mục Thời Sự Thần Học Số 101 này sẽ đưa ra một số cách tiếp cận với các câu hỏi khác nhau mà người Công Giáo có thể nhận được từ đồng nghiệp, gia đình và bạn bè liên quan đến việc thực hành đức tin. Tất nhiên, công việc này chỉ thể hiện các khả năng có thể xảy ra và chúng ta phải nhớ rằng không gì có thể thay thế được sức mạnh của việc làm chứng nhân Tin Mừng qua hành động và lời nói của chúng ta, kết hợp với việc chúng ta sẵn sàng đồng hành cùng người khác trên hành trình đức tin của họ. Điều này có nghĩa là phải kiên nhẫn khuyến khích người khác tham gia đối thoại, đặt câu hỏi và thực sự lắng nghe câu trả lời, và có lẽ quan trọng nhất là không khăng khăng đòi “chiến thắng” trong một cuộc tranh luận.
Câu hỏi
Trong bữa trưa, đồng nghiệp nói với tôi cô ấy được nuôi dạy theo đạo Công Giáo và đã từng đi dự Thánh Lễ, nhưng cô ấy đã không đi dự nữa vì thấy nhàm chán. Cô ấy nói ước gì cô ấy có thể nhận được những lợi ích từ việc đi dự Thánh Lễ như tôi — tôi có thể nói gì để động viên cô ấy?
Tìm hiểu kỹ hơn
Nhận xét này thật thú vị. Một mặt, người đồng nghiệp này đã từ bỏ việc đi dự Thánh Lễ vì thấy nhàm chán. Nói cách khác, cô ấy mất đi sự hứng thú với Thánh Lễ. Mặt khác, cô ấy nhìn người đồng nghiệp của mình, người có lẽ tham dự Thánh Lễ thường xuyên và thấy ở người đó điều cô ấy mong muốn. Tất nhiên, câu hỏi đặt ra là cô ấy mong muốn điều gì từ những lợi ích mà người Công Giáo sống đạo nhận được từ Thánh Lễ? Vì vậy, hãy bắt đầu bằng việc xác định điều thực sự khiến cô ấy hứng thú thay vì tập trung vào việc nêu lý do khiến cô ấy cảm thấy Thánh Lễ nhàm chán.
Dựa trên nền tảng mong muốn
Rốt cuộc, sự nhàm chán liên quan đến các vấn đề về gắn kết. Trong cuốn sách Growing an Engaged Church: How to Stop ‘Doing Church’ (Phát Triển Giáo Hội Gắn Kết: Cách Dừng “Thể Hiện Hình Thức Giáo Hội” và Bắt Đầu Trở Lại Sống Với Tinh Thần Giáo Hội), Albert L. Winseman nêu rằng sự gắn kết cuối cùng gắn liền với mức độ cảm nhận sâu sắc của một người về một điều gì đó, là cảm nhận dẫn đến sự cam kết. Điều này liên quan đến sự cho và nhận; cảm giác thuộc về và phát triển." (Gallup Press, 2007)
Winseman cũng xác định các yếu tố thể hiện sự gắn kết. Các yếu tố này bao gồm việc biết những gì được mong đợi ở chúng ta, có những người lãnh đạo tinh thần quan tâm đến chúng ta với tư cách là con người, đáp ứng các nhu cầu tâm linh của chúng ta, cảm thấy rằng sự tham gia của chúng ta là cần thiết cho sứ mệnh, có cơ hội học hỏi và có một người bạn thân trong giáo xứ.
Sự nhàm chán hoặc thiếu gắn kết có thể xuất hiện khi thiếu các yếu tố này. Do vậy, một điều hết sức quan trọng là tập trung vào việc khơi dậy mong muốn thể hiện trong câu nói của đồng nghiệp. Ví dụ, nếu sự bình an mà người Công Giáo sống đạo dường như nhận được từ Thánh Lễ là điều hấp dẫn đối với cô ấy, thì người Công Giáo sống đạo gắn liền sự bình an này với điều gì? Sự bình an có ý nghĩa gì đối với mỗi người trong số họ? Tại sao cuộc sống của đồng nghiệp này lại thiếu vắng sự bình an? Chính nhờ việc khơi dậy sự hứng thú này mà người Công Giáo sống đạo có thể bắt đầu thu hút ngươi đồng nghiệp của mình tham gia đối thoại, phát triển tình bạn sâu sắc thêm, tìm hiểu về cô ấy và hy vọng là cùng phát triển với cô ấy.
Mơ tưởng hão huyền
Xưa có một nghệ sĩ dương cầm rất tuyệt vời. Sau buổi biểu diễn, trong lúc gặp gỡ và chào hỏi khán giả, một người hâm mộ cuồng nhiệt đã tuyên bố: “Tôi sẽ đánh đổi bất kỳ điều gì để có thể chơi dương cầm hay như bạn.” Nghệ sĩ dương cầm trả lời ngay: “Bạn sẽ từ bỏ tuổi thanh xuân, từ bỏ chơi đùa với những đứa trẻ khác và bỏ việc tham gia các hoạt động ngoại khóa khác để có thể luyện tập sáu đến tám tiếng một ngày liên tục trong nhiều năm không? Bạn sẽ từ bỏ việc hẹn hò và tất cả những mong muốn khác để cam kết chuyên tâm cống hiến cho nghệ thuật không?” Người hâm mộ từ từ cúi đầu khi nhiệt huyết của khoảnh khắc trước đó biến mất trên khuôn mặt và anh ta quay người bỏ đi, chán chường.
Chia sẻ là điều rất quan trọng, nhưng chúng ta phải thận trọng để không làm người nghe choáng ngợp bằng cách đưa ra những mệnh lệnh hành động không ngừng nghỉ vì sự hăng hái của mình. Mọi thứ đều cần có quá trình phát triển và quá trình đó phải được tôn trọng để mầm sống của một điều gì đó không bị nhổ bật rễ hay loại trừ trước khi phát triển hoàn chỉnh.
Trở về với đức tin
Việc một người Công Giáo sống đạo trao đổi với đồng nghiệp của mình về những gì mà người đồng nghiệp tin rằng cô ấy nhận được từ Thánh Lễ có thể tạo cơ hội để truyền giáo hoặc chia sẻ Tin Mừng liên quan đến Thánh Lễ. Tất nhiên, cô ấy muốn chia sẻ theo một cách nào đó hy vọng sẽ khiến đồng nghiệp mong muốn tham dự lại Thánh Lễ (nghĩa là hãy ghi nhớ các yếu tố gắn kết nêu trên). Ví dụ, sách giáo lý chỉ dạy chúng ta rằng từ “phụng vụ” ban đầu có nghĩa là “công vụ” hoặc “phục vụ nhân danh/thay mặt mọi người”. Đối với Ki-tô hữu, “phụng vụ” có nghĩa là “sự tham gia của con dân Thiên Chúa vào ‘công việc của Chúa’” (CCC#1069). Nói cách khác, Chúa Ki-tô tiếp tục làm công tác cứu rỗi trong, với và qua Giáo Hội, là thân thể của Người. Xin lưu ý rằng điều này có nghĩa sự tham gia của chúng ta là cần thiết cho sứ mệnh này và có những kỳ vọng rõ ràng đối với chúng ta, nghĩa là thuộc về điều gì đó lớn lao hơn chính chúng ta.
Ngoài ra, Thánh Lễ còn là bí tích hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại và hiệp thông giữa những người thân cận. Lý tưởng nhất là, trong khi chia sẻ Lời Chúa, Mình và Máu Chúa Ki-tô, Thánh Lễ xây dựng một cộng đồng quan tâm lẫn nhau, thuộc về nhau và hỗ trợ sự phát triển tâm linh của các thành viên. Nói cách khác, Thánh Lễ liên quan đến sự cho và nhận; cảm giác thuộc về và phát triển.
Thổi Bùng Ngọn Lửa
Khi ai đó bày tỏ mong muốn nhận được từ Thánh Lễ những gì mà bạn nhận được, hãy cân nhắc những điều sau:
- Mời họ đi dự Thánh Lễ cùng bạn.
- Mời họ tham gia nhóm cầu nguyện hoặc nhóm Học Kinh Thánh.
- Khuyến khích họ tham gia chương trình Catholics Returning Home (Ki-tô Hữu Trở Về Nguồn Cội) và tham gia cùng với họ.
- Tạo không gian an toàn cho họ tiếp tục thảo luận về hành trình đức tin với bạn.
Sự đồng hành và đối thoại là yếu tố then chốt vì hành trình đức tin của mỗi người phải được tôn trọng và tôn vinh.