| Cha Gerald Nwafor

Mùa Chay và Mùa Vọng

Sau khi kết thúc Thánh lễ Chúa Nhật, một giáo dân tiến đến hỏi tôi: "Thưa Cha, tại sao chúng ta không xem trọng mùa Vọng như cách chúng ta xem trọng Mùa Chay?" Ban đầu, tôi thoáng sững sờ vì chưa bao giờ tôi có ý nghĩ mùa này quan trọng hơn mùa kia và Giáo Hội cũng không đặt nặng mùa nào hơn.  Nhìn lại quá trình trưởng thành của mình Nigeria, tôi nhận ra những điểm tương đồng sâu sắc giữa hai mùa này. Mùa Vọng và Mùa Chay, tựa như hai mặt của một đồng xu, trông khác biệt nhưng có cùng giá trị thiêng liêng.

Sự Ra Đời và Cái Chết

Đôi khi, chúng ta suy nghĩ quá đơn giản khi cho rằng Mùa Vọng là mùa chúng ta chờ đón sự Giáng Sinh của Chúa Giê-su còn Mùa Chay là hành trình hướng đến cái chết của Người. Một mặt thì điều đó là đúng: Mùa Vọng diễn ra trước khi Chúa Ki-tô ra đời còn Lễ Phục Sinh dẫn đến cái chết của Người. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai mùa phức tạp hơn nhiều. 

Năm 12 tuổi, tôi ở chủng viện trong khi mẹ tôi đang mang thai em gái. Tôi thấy mẹ đi chậm đến mức việc đi bộ giống như một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Trong tôi đan xen cảm giác hạnh phúc khi sắp được chào đón em bé cùng nỗi lo lắng rằng mẹ tôi có thể không qua khỏi. Trong ký ức của tôi, mỗi buổi tối khi đọc kinh Mân Côi cho gia đình, cha tôi sẽ đọc lời cầu nguyện cho mẹ tôi sinh em bé được bình an.  Khoảnh khắc ấy chất chứa hai cảm xúc đối lập: một bên là niềm vui tức thời khi một sinh linh sắp chào đời, bên kia là lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh khi đứng trước cửa tử của người mẹ. 

Mùa Vọng là sự chuẩn bị cho niềm hy vọng: Thiên Chúa mang hình hài con người. Mùa Chay, cũng như Mùa Vọng, là hành trình tái sinh, nơi cái chết của Chúa Giê-su là khởi đầu cho sự phục sinh (một thụ tạo mới trong Thiên Chúa). Dù là trong nguy cơ cận kề cái chết hay niềm hạnh phúc khi sinh ra hoặc tái sinh, cả hai trạng thái ấy luôn song hành. Ngoài lịch phụng vụ, điều tương tự cũng đúng với các bí tích của chúng ta: Bất cứ khi nào xưng tội, tôi đều cảm thấy sự tái sinh trong tôi. Mỗi khi tôi tránh xa tội lỗi, tôi cảm nhận sự bình an mới của Chúa Ki-tô đang sống trong tôi. Bản ngã “tái sinh” luôn là sự phục sinh của bản ngã cũ đã bỏ lại sau lưng.

Mùa Chay và Mùa Vọng

Ngày nay, tôi quan sát thấy những người mẹ mang thai di chuyển thật chậm rãi và cẩn trọng trong mọi thứ; họ không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì có hại cho thai nhi. Quá trình mang thai mang đến những thử thách, đau đớn, giống như Mùa Chay và Mùa Vọng: niềm vui chờ đợi ở cuối con đường.  Việc Mùa Vọng là mùa chuẩn bị cho sự giáng sinh của Chúa Ki-tô không có nghĩa là những khó khăn rõ ràng mà các bà mẹ phải đối mặt trong thai kỳ sẽ biến mất.  Cũng như vậy, những khó khăn thử thách mà những người mẹ phải chịu đựng trong thai kỳ không tước đoạt đi niềm vui đón chào sinh linh mới. Những khó khăn và hy sinh mà chúng ta trải qua trong Mùa Chay không làm phai mờ niềm vui đón chào sự phục sinh của Chúa Ki-tô.

Những mùa quan trọng này trong lịch phụng vụ nhằm giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa Ki-tô. Tại Nigeria, tôi đã gặp gỡ Chúa Ki-tô trong Mùa Vọng theo cách đặc biệt khi một người lạ cho chúng tôi thức ăn để chào mừng Giáng Sinh trong cảnh nghèo đói và túng thiếu. Trong Mùa Chay, khi mưa bão cuốn đi ngôi nhà của chúng tôi, một người hàng xóm đã dang rộng vòng tay đón cả gia đình chúng tôi vào ở trong sáu tháng. Sự ra đời, cái chết, sự tái sinh và phục sinh là những chủ đề sẽ hiện diện theo cách nào đó ở cả hai mùa.

Những người bạn và giáo dân của tôi đã tìm thấy Chúa Giê-su trong Mùa Vọng qua vẻ đẹp của những bài thánh ca, trao tặng quà cho nhau và Thánh Lễ Simbang Gabi theo truyền thống của người Philippines. Những người thân yêu của tôi cũng nhận ra sự hiện diện của Chúa Giê-su trong Mùa Chay qua những hy sinh của cộng đồng Ki-tô hữu, những người tha thứ cho anh chị em, tìm kiếm hòa bình và công lý. Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy dấn bước vào một hành trình có thể đòi hỏi những hy sinh nhỏ bé để chúng ta có thể cảm nghiệm niềm vui của sự tái sinh và phục sinh một lần nữa.

Cha Gerald Nwafor là cha phó tại giáo xứ Saint Justin.


Đọc Tất Cả Tin Tức Bằng Tiếng Việt