Giáo Hội Trở Về Với Bản Chất Đích Thực khi Gặp Gỡ Chúa Ki-tô trong Phụng Vụ
Phỏng Vấn Đức Viện Phụ Jeremy Driscoll, O.S.B., Bộ Phụng Tự
Phỏng Vấn Đức Viện Phụ Jeremy Driscoll, O.S.B., Bộ Phụng Tự
Đức Viện Phụ Jeremy Driscoll, tu sĩ dòng Benedictine, linh mục và hiện là Tu Viện Trưởng Tu Viện Mount Angel, đã dành cả cuộc đời để hướng dẫn về chủ đề phụng vụ thánh tại Chủng Viện Mount Angel ở Oregon. Mô tả Đức Viện Phụ là học giả lỗi lạc thôi chưa đủ. Ngoài việc đào tạo các chủng sinh và các môn đệ truyền giáo trong các cơ sở tĩnh tâm và học thuật, diễn thuyết trên khắp thế giới, cha còn là tác giả của nhiều cuốn sách lịch sử và thần học, chẳng hạn như What Happens at Mass (Điều Gì Xảy Ra Trong Thánh Lễ) and Awesome Glory: Resurrection in Scripture, Liturgy, and Theology (Vinh Quang Tuyệt Vời: Sự Phục Sinh trong Kinh Thánh, Phụng Vụ và Thần Học).
Cuộc phỏng vấn của chúng tôi tập trung vào chủ đề đào tạo và chuẩn bị cho cộng đoàn trước Thánh Lễ. Với tư cách là cố vấn cho Bộ Phụng Tự Vatican, cha được Đức Giám Mục Cantú mời đến để nói chuyện về Thánh Lễ với các linh mục giáo phận chúng ta. Đức Viện Phụ đã trình bày về cùng chủ đề này một tháng trước tại một cuộc họp toàn thể của Bộ tại Rome. Cuộc trò chuyện giữa Đức Giám Mục Oscar Cantú, Đức Viện Phụ Jeremy Driscoll và biên tập viên diễn ra tại văn phòng của Đức Giám Mục Cantú.
Đức Viện Phụ Jeremy Driscoll, tu sĩ dòng Benedictine, linh mục và hiện là Tu Viện Trưởng Tu Viện Mount Angel, đã dành cả cuộc đời để hướng dẫn về chủ đề phụng vụ thánh tại Chủng Viện Mount Angel ở Oregon. Mô tả Đức Viện Phụ là học giả lỗi lạc thôi chưa đủ. Ngoài việc đào tạo các chủng sinh và các môn đệ truyền giáo trong các cơ sở tĩnh tâm và học thuật, diễn thuyết trên khắp thế giới, cha còn là tác giả của nhiều cuốn sách lịch sử và thần học, chẳng hạn như What Happens at Mass (Điều Gì Xảy Ra Trong Thánh Lễ) and Awesome Glory: Resurrection in Scripture, Liturgy, and Theology (Vinh Quang Tuyệt Vời: Sự Phục Sinh trong Kinh Thánh, Phụng Vụ và Thần Học).
Cuộc phỏng vấn của chúng tôi tập trung vào chủ đề đào tạo và chuẩn bị cho cộng đoàn trước Thánh Lễ. Với tư cách là cố vấn cho Bộ Phụng Tự Vatican, cha được Đức Giám Mục Cantú mời đến để nói chuyện về Thánh Lễ với các linh mục giáo phận chúng ta. Đức Viện Phụ đã trình bày về cùng chủ đề này một tháng trước tại một cuộc họp toàn thể của Bộ tại Rome. Cuộc trò chuyện giữa Đức Giám Mục Oscar Cantú, Đức Viện Phụ Jeremy Driscoll và biên tập viên diễn ra tại văn phòng của Đức Giám Mục Cantú.
Biên Tập Viên: Thưa Đức Viện Phụ Jeremy, với tư cách là chuyên gia phụng vụ làm việc với một ủy ban của Vatican, theo cha, Đức Thánh Cha đang dẫn dắt chúng ta theo hướng nào trong công tác phụng vụ?
Đức Viện Phụ Jeremy: Trong bức tông thư tông tuyệt vời của ngài về phụng vụ đích thực, Desiderio Desideravi, Đức Thánh Cha nói về nhu cầu đào tạo cộng đoàn để chuẩn bị đón nhận Chúa trong phụng vụ. Mọi người nghĩ rằng Thánh Lễ là cộng đoàn cử hành phụng vụ. Cộng đoàn cử hành phụng vụ theo một nghĩa nào đó, nhưng thực ra, chính Chúa Ki-tô mới là người cử hành phụng vụ.1 Chúa Ki-tô đào tạo cộng đoàn thông qua phụng vụ, vì vậy cộng đoàn nỗ lực hết sức để hiểu điều đó. Tùy thuộc vào việc đào tạo người tham dự cho phụng vụ, cộng đoàn sẽ được hình thành bởi phụng vụ.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận xét trong tông thư, và tôi xin diễn giải lại: “Bạn thấy Chúa Giê-su khao khát hiến mình cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể như thế nào không? Ngài hiến dâng thân thể và máu trên thập giá. Cho cuộc sống của chúng ta và để cứu chuộc chúng ta?” Có sự hiệp thông trong sự hy sinh của Chúa Ki-tô: Giáo Hội ra đời trong cuộc gặp gỡ với Chúa Ki-tô. Đây không chỉ đơn thuần là cuộc gặp gỡ riêng của mỗi người chúng ta với Chúa Giê-su mà là cuộc gặp gỡ chung của mọi người, hợp thành một thân thể, không phải qua nỗ lực cá nhân, mà qua sự sẵn sàng đón nhận của tất cả chúng ta.
Đức Giám Mục Cantú: Giáo phận chúng tôi đang trong quá trình canh tân đời sống tâm linh. Chúng tôi đã trải qua tiến trình công nghị, xác định sáu ưu tiên tập trung trong sáu năm tới cho đến khi kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận vào năm 2031. Đây cũng sẽ là dịp kỷ niệm 500 năm Đức Mẹ Guadalupe hiện ra với Thánh Juan Diego. Việc thờ phượng đã được xác định là một ưu tiên. Cha sẽ chia sẻ gì với giáo phận của chúng tôi để giúp mọi người hiểu biết sâu sắc hơn về những nghi thức trong Thánh Lễ?
Đức Viện Phụ Jeremy: Tôi muốn nói với giáo phận của ngài, đừng chỉ tập trung vào phụng vụ. Hãy tập trung vào mọi thứ xuất phát từ phụng vụ và quay trở lại phụng vụ. Trong kế hoạch mục vụ của quý giáo phận, theo một nghĩa nào đó, quý ngài cần tìm ra cách sao cho trong chính việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, tín hữu hiểu sâu sắc thêm về cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Giê-su, với Chúa Ba Ngôi. Quý ngài phải tìm ra cách chuẩn bị cho các tín hữu làm điều này ngay tại San José, California. Mọi người nên tự hỏi, cả về mặt cá nhân và cộng đoàn: “Chúng ta trở thành ai khi chúng ta gặp gỡ với Chúa Ki-tô vào Chúa Nhật này qua Chúa Nhật khác theo cách này?” Tín hữu càng đi sâu vào mầu nhiệm đó thì trái tim của họ càng tuôn trào yêu thương.
Biên Tập Viên: Tầm nhìn của giáo dục phụng vụ tại Chủng Viện Mount Angel là gì?
Đức Viện Phụ Jeremy: Chúng tôi đang thực hiện công việc quan trọng tại Mount Angel. Trong 30 năm qua, chúng tôi đã tạo ra một tầm nhìn bắt đầu bằng phụng vụ và kết thúc bằng phụng vụ. Điều đó không chỉ có nghĩa là nghiên cứu thêm về phụng vụ mà còn tìm hiểu cách mọi thứ bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ với Chúa Ki-tô. Chúng ta có thể sống đời sống thánh thiện vì chúng ta được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Chúa Ki-tô. Chúng ta được tạo thành bởi cuộc gặp gỡ với Chúa Ki-tô trong phụng vụ.
Biên Tập Viên: Nói về phụng vụ và việc đào tạo tại chủng viện, thưa Đức Viện Phụ, với tư cách là một người mẹ, tôi thường nghĩ rằng một lớp học thực hành tại chủng viện sẽ là lớp mà một chủng sinh dành một học kỳ để giúp một gia đình đông người chuẩn bị cho Thánh Lễ vào buổi sáng. Sẽ rất thú vị khi thấy quá trình đào tạo phụng vụ sẽ phát triển như thế nào từ trải nghiệm đó.
Đức Giám Mục, người có sáu anh chị em, tỏ ra đồng tình với đề xuất thiết thực này.
Đức Giám Mục Cantú: Tôi nhớ một sáng Chúa Nhật, tôi tỉnh dậy và thấy ngôi nhà thật yên ắng. Cả nhà đã ra ngoài để dự Thánh Lễ, còn mỗi mình tôi ở nhà. Mẹ đã giải thích khi thấy tôi đầm đìa nước mắt rằng cả nhà không muốn đánh thức tôi dậy vì tôi đang “ngủ rất ngon”.
Mọi người, kể cả Đức Giám Mục, đều cười khi nghe câu chuyện thời thơ ấu này.
Biên Tập Viên: Thưa Đức Viên Phụ, cha có thể nhận xét về cách các hình thức đạo đức bình dân có thể giúp chúng ta chuẩn bị cho phụng vụ như thế nào không?
Đức Viện Phụ Jeremy: Là tu sĩ, chúng tôi không có nhiều hình thức đạo đức bình dân trong tu viện, nhưng tôi chắc chắn đó là điều tốt. Riêng tôi, tôi cầu nguyện Phụng Vụ Giờ Kinh. Cầu nguyện trước Thánh Thể cũng mang lại giá trị to lớn. Nếu mọi người cử hành Thánh Thể tốt, họ sẽ gặp Chúa Ki-tô, và Thánh Lễ sẽ trở thành sự kiện có ý nghĩa lớn lao trong cuộc đời họ. Đó là mong muốn phụng vụ mà tôi đang nói đến. Tôi tin rằng tôi đang truyền đạt ý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Đức Giám Mục Cantú: Và đây là những gì các linh mục sẽ học vào buổi chiều nay? Tôi mong chờ điều đó.
Đức Viện Phụ Jeremy: Chiều nay, tôi sẽ nói chuyện với các linh mục về sự tinh tế trong ngôn ngữ của Bí Tích Thánh Thể. Bạn không thể nắm bắt được ý nghĩa của “tưởng niệm” nếu không có sự phục sinh. Với Chúa Giê-su, ký ức mạnh mẽ hơn vì khi chúng ta tưởng nhớ đến cái chết của Ngài, Ngài thực sự ở đó, đã sống lại, và nói rằng: “Ta muốn con sống và Ta muốn con thưởng thức bữa ăn này”. Đó là ngôn ngữ sâu sắc của con người, và Chúa Giê-su có thể nói ngôn ngữ đó qua một bữa ăn đặc biệt, không chỉ là một “bàn ăn”. Ta cần phân biệt Bữa Tối Cuối Cùng với sự hiệp thông qua sự chia sẻ bữa ăn với các hoàn cảnh khó khăn vì chúng ta dễ nhầm lẫn và đôi khi nói rằng mọi người nên có một bữa ăn cộng đoàn vì Chúa Giê-su đã ăn cùng mọi người. Nhưng Bí Tích Thánh Thể là một bữa ăn khác, một bữa ăn mà Chúa Giê-su truyền đi thông điệp rằng Ngài muốn chúng ta được sống. Điểm khác biệt ở đây chính là Ngài chết để chúng ta được sống qua bữa ăn này.
Biên Tập Viên: Thưa Đức Viện Phụ, mối liên hệ giữa tình bạn đích thực với Chúa và phụng vụ đích thực là gì?
Đức Viện Phụ Jeremy: Đây là mối liên hệ: tình bạn đích thực với Chúa là phụng vụ đích thực. Chúng ta hãy xem xét điều sau đây: Mục đích của việc cải cách phụng vụ là gì? Một trong những yếu tố chính của việc cải cách là toàn thể cộng đoàn sẽ hiểu mình là người thừa tác — chứ không phải là người ngoài cuộc — trong phụng vụ. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập trong tông thư rằng không chỉ có linh mục cử hành trong phụng vụ. Đó là một cộng đoàn có phẩm trật, nơi toàn thể cộng đoàn hành động dưới sự dẫn dắt của Chúa Ki-tô. Đây là nơi mà những người tiền nhiệm của ngài và Công Đồng Vatican II đã dẫn dắt. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng xác nhận rằng điều này đã không xảy ra mặc dù chúng ta đã làm điều đó trong 60 năm. Đức Giáo Hoàng thách thức các linh mục bằng cách nói rằng: “Các vị đang không dẫn dắt phụng vụ tốt” và ngài chỉ ra một số cách cụ thể khiến điều đó đã không xảy ra.
Đồng thời, Đức Thánh Cha không chỉ quở trách. Ngài cũng nói thêm và tôi xin diễn giải lại điều đó như sau: “Một linh mục có hiểu mình đang làm gì khi đứng cạnh bàn thờ và cử hành thánh lễ không? Linh mục có cảm thấy trong chính mình tình yêu nồng cháy của Chúa Giê-su dành cho mọi người không?” Linh đạo của linh mục rất quan trọng. Linh mục phải chân thực, có trí tuệ và có tinh thần hy sinh. Giáo dân cần những linh mục lãnh đạo; họ sẽ hiểu được những gì đang diễn ra trong phụng vụ nếu chính linh mục hiểu, yêu thích và làm chủ phụng vụ.
Biên Tập Viên: Và đây là câu hỏi cuối cùng, thưa Đức Viện Phụ, làm thế nào để người Công Giáo sống thật với bản thân thông qua phụng vụ?
Đức Viện Phụ Jeremy: Theo một trong những cách hiểu truyền thống của Giáo Hội thì Giáo Hội không phải là Chúa Ki-tô mà là một thân thể với Chúa Ki-tô. Chúa Ki-tô là chồng, trong khi toàn thể các tín hữu là vợ. Người chồng không phải là vợ; người vợ không phải là chồng, và con cái của họ không phải là họ. Tuy nhiên, giờ đây tất cả họ đều hòa hợp làm một, và điều tương tự cũng đúng với Giáo Hội. Trong phụng vụ, chúng ta được tập hợp thành một thể thống nhất và hiệp thông làm một trong Chúa Ki-tô để trở nên giống Chúa Ki-tô. Ngài hy sinh và chúng ta hy sinh; đó là một chuỗi liên tục và đồng thời diễn ra.
Chúa đã tạo ra thế giới theo cách này để mặc khải chính Ngài qua thụ tạo và mặc khải chính Ngài trong Chúa Ki-tô. Chúa Ki-tô mặc khải tình yêu của Chúa Cha và mặc khải chúng ta cho chính chúng ta, như tôi đã nói theo nhiều cách. Điều cần ghi nhớ là Giáo Hội ra đời và trở về với bản chất đích thực bằng cách gặp gỡ, thờ phượng và mở rộng để đón nhận Chúa Ki-tô trong phụng vụ.
1 Desiderio Desideravi (DD) 15. (xem Sacrosanctum Concilium, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh. Công Đồng Vatican II,11,14)
Đức Viện Phụ Jeremy Driscoll, O.S.B., là viện phụ thứ 12 của Tu Viện Mount Angel tại St. Benedict, Oregon. Cha đã giảng dạy tại Colegio de Sant’ Anselmo, Đại Học Pontifical Benedictine ở Rome và vẫn tiếp tục giảng dạy tại Chủng Viện Mount Angel.
Đức Giám Mục Oscar Cantú là giám mục thứ 3 của Giáo Phận San José. Ngài đã phục vụ trong một số ủy ban của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB) và cũng là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo California (CCC).
Marissa Nichols là trưởng biên tập và người viết chính của The Valley Catholic, tạp chí đạt giải thưởng của Giáo Phận Công Giáo San José. Cô tham dự Thánh Lễ cùng gia đình tại Tu Viện Carmelite, Santa Clara.