Share this story


 | Cha Michael Schmidt

Tại sao tôi vẫn còn thấy áy náy sau khi đã xưng tội rồi?

Tôi đã đi xưng tội, và tôi biết là Chúa đã tha tội cho tôi.  Nhưng sao tôi vẫn còn thấy áy náy và xấu hổ.  Vậy tôi phải làm gì?

Xin cám ơn Anh/Chị đã cho biết và đặt câu hỏi.  Thật ra, chúng ta biết là qua Bí tích Hòa Giải, Chúa Giê-su đã tha thứ tội lỗi của chúng ta, tôi cũng thường nói với những người đã trải qua kinh nghiệm như Anh/Chị.  Có những lúc chúng ta không thể bỏ qua tôi lỗi của chúng ta.

Để có thể hiểu được những gì xảy ra trong những lúc này, tôi nghĩ là mình cần biết về lòng nhân từ của Chúa đối với chúng ta, qua Phép Hòa giải.  Chúng ta biết rằng Chúa không bỏ qua tôi lỗi của chúng ta khi Ngài tha thứ cho chúng ta.  Mà ngược lại, Chúa coi tội lỗi là điều nghiêm trọng.  Vì Chúa coi tội lỗi là điều nghiêm trọng nên đã lập ra sự tha thứ bằng cách mặc lấy thân phận con người, sống giữa trần gian, chịu đau khổ trong thân xác của mình, chịu chết, xuống ngục tổ tông, rồi sống lại để có thể tha thứ cho tội lỗi của chúng ta.  Tất cả những điều này là cái giá Ngài phải trả để tha thứ cho chúng ta.

Hãy nhớ là Thiên Chúa rất nhân từ.  Nhưng Chúa cũng rất công bằng.  Và công lý đòi hỏi rằng những hậu quả của tội lỗi phải được áp dụng.  Trên Thập giá, Chúa Giê-su đã nhận lấy mọi tội lỗi của nhân loại và chấp nhận mọi sự dữ mà Anh/Chị và tôi đã buộc vào Ngài cho đến chết.

Đây là một trong những lý do mà một tác phẩm nghệ thuật (hay một phim) đã diễn tả cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su là một điều hữu ích và là một thiếu sót.  Nó là một điều hữu ích vì nó nhắc chúng ta rằng tôi lỗi của chúng ta đã mang lại cái chết cho Chúa Giê-su.  Nhưng thiếu sót vì nó chỉ diễn tả một phần nào những đau khổ của Chúa.  Chúng ta chỉ có thể thấy những vết thương bên ngoài (như những vết thương ghê rợn khi Ngài bị đánh đòn), nhưng chúng ta không thể thấy Chúa Giê-su phải chịu đau khổ thế nào bên trong mà đáng lý ra chúng ta phải chịu.

Thánh kinh ghi, “Cái giá của tội lỗi là sự chết.”  Điều này có nghĩa là hậu quả của tội lỗi là sự chết; sự chết là kết quả của tội lỗi, là cái giá của tội lỗi.  Chúa Giê-su đã phải trả cái giá ấy. Và hoàn toàn do yêu thương chúng ta, Ngài đã quyết định mặc lấy Thánh giá để chúng ta được tự do, được sống và được hưởng sự nhân từ.

Ngoài ra, Chúa Giê-su còn cho ta cảm nghiệm được tự do, được hưởng sự sống và lòng nhân từ khi Ngài thổi hơi trên các môn đệ và nói “Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần… Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha.  Người nào anh em cầm buộc thì người ấy bị cầm buộc.”  Chúa Giê-su đã ban cho các Tông Đồ (và những người kế vị là các Giám mục và linh mục) quyền được tha thứ tội lỗi, vì Thiên Chúa muốn chúng ta cảm nghiệm được lòng nhân từ của Ngài đối với chúng ta.  Ngài ban cho chúng ta Phép Bí tích cao cả này để cho chúng ta thấy rằng việc hy sinh không phải chỉ cho “thế gian” nhưng cho chính chúng ta.

Bây gờ, sau khi đã nhận định như thế, tại sao chúng ta đi xưng tội xong mà vẫn còn thấy áy náy và xấu hổ? Tôi nghĩ là có ba nguyên nhân.

Nguyên nhân trước hết là chúng ta nhận ra rằng tội lỗi của chúng ta đưa lại những hậu quả nơi người khác.  Điều xấu mà chúng ta làm đã gây ảnh hưởng xấu nơi người khác.  Do đó, khi một người đã đi xưng tội và biết rằng tội mình đã được tha nhưng người ấy vẫn còn thấy bị dằn vặt vì trên thực tế dầu Chúa đã tha cho người ấy, nhưng không làm thay đổi đươc quyết định làm điều xấu của người ấy.  Vì tôi nói xấu ai, bây giờ người ấy bị mang tiếng xấu, và tôi không thể đền bù tiếng xấu lại được cho người ấy.  Vì tôi hành động trong cơn nóng giận, bây giờ người khác bị tổn thương về thể chất hay tinh thần.  Vì tôi ăn cắp, người khác bị thiệt hại của cải.  Và chuyện này có thể kéo dài mãi về những hậu quả của hành động của chúng ta.  Và điều đương nhiên là quyết định của chúng ta đã làm thiệt hại cho người khác.  Cũng có thể là vì hành động của chúng ta mà người khác bị thiệt mạng.

Bây giờ người ấy phải làm sao?  Phải, Chúa đã tha thứ cho người ấy.  Nhưng vẫn còn hậu quả mà người khác phải chịu.  Đây là một trong những giáo huấn của Giáo Hội về sự phục hồi hay bồi thường.  Giáo Hội dạy chúng ta rằng, nếu thực lòng ăn năn về tội lỗi của mình, tôi phải làm tất cả những gì theo khả năng để đền bù lại tội lỗi của mình.

Điều này không có nghĩa là chúng ta đã “lấy” được sự tha thứ.  Chúa Giê-su là người duy nhất có thể trả giá cho tội lỗi của chúng ta.  Nhưng học thuyết về phục hồi xác định rằng chúng ta phải làm tất cả những gì có thể làm được để đền bù lại những gì đã bị lấy đi, những gì đã mất, hay những gì đã bị thiệt hại.  Chẳng hạn như, nếu tôi ăn cắp tiền của cha mẹ tôi, thì tôi phải đi xưng tội để được Chúa thứ tha.  Nhưng tôi phải tìm cách trả lại những gì tôi đã lấy.  Nếu tôi đã làm thiệt hại uy tín của người nào, tôi phải tìm cách sửa chữa lại thiệt hại cho người ấy.  Nếu tôi đã nói dối thì tôi phải tìm cách nói lại cho đúng.

Có thể là Anh/Chị vẫn còn thấy áy náy và xấu hổ về tội lỗi của minh vì Anh/Chị chưa tìm cách đền bù lại những thiệt hại mà mình gây ra.  Đây có thể là vì lương tâm của Anh/Chị thúc đẩy Anh/Chị hành động.

Trong nhiều trường hợp chúng ta không thể phục hồi được cho những thiệt hại mà mình đã gây ra.  Có những trường hợp khi thiệt hại đã xảy ra nhưng không thể bù đắp lại được.  Hãy lấy trường hợp một người lái xe uống rượu say rồi cán chết một người khác trong một tai nạn, hay một người khác làm cha mẹ đã gây nhiều lầm lỗi mà không thể liên lạc lại với con cái của mình.  Trong những trường hợp đó, chúng ta có thể làm bất cứ những điều gì có thể làm được để bù đắp lại cho những người liên hệ.  Nhưng rồi chúng ta chỉ có thể cầu nguyện cho họ và dâng họ cho Chúa.  Có thể là suốt cả đời tôi, tôi phải ăn năn và dâng mọi hy sinh để bù đắp cho họ.  Nếu tôi chỉ có thể làm được như thế, thì tôi phải làm như thế mà thôi. 

Lý do thứ hai tại sao đã được tha thứ rồi nhưng vẫn còn thấy áy náy là vì thấy xấu hổ.  Có thể là vì bây giờ mình đã xưng ra và “có người khác biết tội của mình.”  Tôi nghĩ là có nhiều người cũng có kinh nghiệm như thế. Tôi biết là Chúa đã dủ lòng thương tôi và tha thứ, nhưng điều tôi còn áy náy là vì có người khác (hay những người khác) đã biết về tôi.  Đã có người biết việc gì tôi có khả năng làm. Trong trường hợp này, chúng ta rất biết ơn Chúa đã giang tay tha thứ, nhưng mỗi lần nghĩ đến việc “có người khác đã biết,” chúng ta vẫn còn thấy áy náy và không an tâm.

Điều này cũng tốt thôi. Nếu gặp trường hợp như thế, chúng ta đã xác định được nguyên nhân tại sao chúng ta thấy áy náy.  Và nguyên nhân chỉ là vì muốn tự tôn.  Tôi chỉ muốn người khác nghĩ tôi là người tốt.  Nhưng nay người ta biết tôi có khả năng và có thể chọn làm điều xấu thì việc đó làm cho tôi áy náy khó chịu lắm.  Đây cũng là điều tốt, vì tự tôn là tội hàng đầu. Và nếu tôi làm nô lệ cho tội kiêu ngạo thì cho dù lòng Chúa nhân từ đến đâu, tôi cũng sẽ trở về kiêu ngạo, vì tôi chỉ quan tâm đến việc người khác nghĩ gì về tôi hơn là lòng Chúa thương tôi.  Điều đó thật là đáng buồn. Thật sự đáng buồn!  Nhưng sự chết của Chúa Giê-su không những đã chiến thắng sự tội, mà còn chiến thắng sự kiêu ngạo là căn nguyên mọi tội lỗi của chúng ta.

Nguyên nhân sau cùng của việc một người thấy áy náy, dầu đã được tha thứ là vì họ cảm thấy buồn vì đã làm cho lòng Chúa đau buồn. Trong kinh Ăn Năn Tội chúng ta cũng cầu xin: “… con đau buồn vì tội lỗi con, vì con sợ mất Thiên đàng và phải sa hỏa ngục, nhưng trên hết vì con đã phạm đến Chúa là Thiên Chúa của con, là Đấng hoàn thiện và rất đáng cho con yêu thương...” Đó là những người nhạy bén có tâm hồn đau buồn khi họ nghĩ đến hậu quả của sự tha thứ.

Đối với tất cả mọi người (và tất cả chúng ta), cần nhớ rằng: Chúa Giê-su đến để tha thứ tội lỗi. Đây là nguyên nhân sâu xa đưa Người đến thế gian.  Chúa muốn chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Ngài.  Chúa muốn chúng ta được chữa lành.  Lý do Chúa Ki-tô chịu chết trên Thập giá là để cho chúng ta được giải thoát.  Qua hành động của Ngài, chúng ta được tự tin.  Chúng ta tin tưởng rằng khi chúng ta đi xưng tội là chúng ta có quyết định này: “Lạy Chúa, con sẽ không để cho việc Chúa chịu chết trên Thánh giá ra uổng công cho con.”

Anh/Chị đã đặt tội lỗi của mình dưới chân Thánh giá trong Bí tích Hòa giải. Anh/Chị không cần phải mang theo tội lôi của mình khi rời Tòa Giải tội.


Cha Michael Schmidt là Giám Đốc Văn phòng Giới trẻ và Thanh Thiếu niên trong Giáo phận Duluth và là Linh hướng cho Trung tâm Newman thuộc Trường Đại Học Duluth ở Minnesota.