| Linh mục Hảo Đinh Tổng Đại Diện & Chánh xứ Nhà thờ Thăng Thiên

Tiếp cận sự Thánh thiêng: Cuộc Hành hương Động Nam Á

Tôi may mắn được cùng với Đức Cha Cantú và hơn 80 giáo dân, giáo sĩ đi thăm Phi Luật Tân và Việt Nam trong cuộc hành hương vào tháng 1 năm 2023.  Cuộc hành hương này đúng ra đã được thực hiện vào năm 2021, nhân dịp Giáo hội Phi kỷ niệm 500 năm đón nhận Tin mừng, nhưng phải dời lại vì đại dịch Covid. Tuần lễ đầu tiên chúng tôi ở Phi Luật Tân, và tuần sau đó đến Việt Nam. Cả hai nơi đã cho chúng tôi những kinh nghiệm khó quên và đáng quý.

 

Lễ hội mừng kính Chúa Hài Đồng ở Cebu

Đức tin và lòng mộ đạo của người dân Phi được biểu lộ qua phụng vụ, các hình thức sùng kính, và nhiều truyền thống trong cộng đồng. Chúng tôi thấy rõ điều ấy tại lễ hội mừng kính Chúa Hài Đồng nơi thánh đường mang tên Ngài ở Cebu. Dân chúng quy tụ đông đảo ở khuôn viên nhà thờ cũng như trước những màn ảnh lớn đặt ở các đường phố chung quanh. 

Những đám đông trùng trùng điệp điệp, mà phần lớn là các bạn trẻ, đã bộc lộ đức tin một cách nồng nhiệt và hân hoan. Cảnh sát địa phương ước lượng có khoảng ba triệu người đã đến tham dự cuộc rước kiệu Chúa Hài Đồng vào ngày 14 tháng Giêng tại đây.  Thật là một kinh nghiệm để đời khi hai chiếc xe buýt chở chúng tôi luồn lách giữa dòng xe cộ đông như mắc cửi với những rủi ro để cố gắng đến Dinh Thống đốc Tỉnh bang Cebu cho kịp nghi lễ đón tiếp trọng thể tại đây!
 

Lễ hội mừng kính Chúa Giêsu Da Đen tại Quiapo, Manila

Người Công giáo Phi rất có lòng sùng kính Chúa Giêsu chịu đau khổ và Mẹ Maria dưới nhiều tước hiệu. Trước khi đến Cebu, chúng tôi đã viếng Thánh đường Chúa Giêsu Da Đen (the Black Nazarene) ở Quiapo, Manila, nơi có tượng Chúa được tạc từ gỗ màu đen.  Lễ hội mừng kính Chúa diễn ra vào ngày 9 tháng 1, quy tụ khoảng 80,000 người ở các đường phố.

 

Các nơi hành hương

Chúng tôi cảm kích trước lòng sùng mộ Mẹ Maria ở Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Baclaran, Đền Nữ Vương Ban Sự Bình an và Chỉ Đường Dẫn Lối (Nhà thờ Antipolo) tại Rizal, và Đền Đức Mẹ Lindogon tại Simala, nơi có rất nhiều người xếp hàng xin ơn chữa lành. Hằng trăm chiếc nạng và hằng chục xe lăn còn để lại nơi thánh địa này.  Khi đến viếng Đền Thánh Giuse ở Las Piñas, chúng tôi đã thấy một đàn phong cầm hầu như làm toàn bằng ống tre.

Trong khi đoàn hành hương tiếp tục thăm viếng Phi Luật Tân, Đức Cha Cantú và tôi sang Việt Nam, ở đó một số linh mục người Việt từ San José đã đến để tham gia chặng thứ hai của cuộc hành hương. Trong khi Phi Luật Tân là nuớc có tới 86% dân số theo Công giáo, Việt Nam là một quốc gia đa dạng về tôn giáo và Công giáo chỉ chiếm 7% dân số. Giáo hội hiện diện cùng với nhiều tôn giáo khác đã có từ lâu đời như Phật giáo, Khổng giáo, và các đạo địa phương như Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo. 

 

Thánh địa Đức Mẹ La Vang 

Chúng tôi đã đi thăm Sài Gòn, cố đô Huế, và vùng phụ cận.  Được dâng lễ ở Thánh địa La Vang là một cao điểm trong chuyến đi. Đức Mẹ đã hiện ra tại đây vào năm 1798 với những tín hữu bị bách hại. Hôm nay, tại La Vang, di tích rêu phong còn sót lại của một thánh đường bị sụp đổ trong thời chiến tranh, gần bên một hình ảnh tương phản là ngôi thánh đường mới đang vươn lên, làm thành một biểu tượng về kinh nghiệm đau thương cũng như sự bền bỉ kiên cường của một Giáo hội qua nhiều năm bị bách hại. Trong 250 năm, Việt Nam đã cống hiến cho Giáo hội toàn cầu một một đoàn chứng nhân đông đảo là trên 130,000 đấng tử vì đạo. 

 

Nhà Hy vọng Mai Tâm và An dưỡng viện An ủi Naza, Thủ Đức

Tôi thật xúc động khi đến thăm Nhà Hy vọng Mai Tâm, do tu sĩ Dòng Ca-mi-lô (St. Camillus) phụ trách, với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức trên thế giới, là nơi chăm sóc các trẻ em và cô nhi bị nhiễm HIV/AIDS. Chúng tôi rất vui khi tiếp xúc với cộng đoàn này và được thấy các em hồn nhiên múa hát để đón tiếp khách hành hương. Đức Cha lại đến cầu nguyện riêng với từng người bị bệnh nan y đang chờ chết, được chăm sóc tại An dưỡng viện An ủi Naza, cũng do Dòng Ca-mi-lô điều hành.

 

Nhà thờ Chính tòa Đức Bà, Sài Gòn

Hành trình đến Việt Nam kết thúc với Thánh lễ bằng tiếng Anh tại Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn vào sáng mồng một Tết Nguyên đán Quý Mão.  Pháo bông đã rọi sáng một vùng trời thành phố vào lúc Giao thừa.  Chuyến hành hương đã cho chúng tôi cơ hội thăm viếng và cầu nguyện tại các địa điểm thánh thiêng, lịch sử.  Đồng thời chúng tôi lại được gặp gỡ những con người – sống trên quê hương của họ, sống trong truyền thống văn hoá, tôn giáo, và môi trường xã hội của họ – qua đó, chúng tôi cũng được tiếp cận với sự thiêng thánh, với ánh sáng mang lại nhiều ý nghĩa và mục đích cho cuộc đời họ.


Cha Hảo chịu chức linh mục năm 1993, sau thời gian đào tạo ở Chủng viện Thánh Giuse, Sài Gòn, và Chủng viện Saint Patrick, Menlo Park. Ngay từ khi còn bé, cha đã mong ước làm linh mục. Hành trình dẫn đến ơn gọi, từ Sài Gòn đến San José, kéo dài 24 năm, vì hoàn cảnh bất ổn ở Việt Nam từ năm 1975. Ngoài các bí tích, cha thích đào tạo về lòng tin và đời sống tâm linh, đồng hành với những ai chuẩn bị thành hôn, và những người đã sống trong ơn gọi hôn nhân, gia đình.


Linh mục Hảo Đinh, Tổng Đại Diện & Chánh xứ Nhà thờ Thăng Thiên