Tông huấn Hãy Ngợi Khen Thiên Chúa (Laudate Deum) và Cơn Khủng Hoảng Khí Hậ
Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô kêu gọi thế giới can thiệp và cộng tác
Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô kêu gọi thế giới can thiệp và cộng tác
Ngày 4 tháng 10 – lễ kính Thánh Phan-xi-cô Assisi – Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã cho phổ biến Tông huấn Laudato Deum (Hãy Ngợi Khen Thiên Chúa: Gửi cho mọi người Thiện chí trước Cơn Khủng hoảng Khí Hậu). Tông huấn này là tác phẩm tiếp theo của Tông thư lịch sử của Ngài về Môi Trường trước đây mang tên Laudato Sí. Trong Tông huấn này, Ngài nói khủng hoảng về khí hậu trên thế giới đã trở nên một mối lo trầm trọng cần được sự lưu tâm nhanh chóng và chung sức giải quyết của cả thế giới.
Trong vòng 8 năm kể từ khi ban hành Laudato Sí là tông thư của Ngài về việc chăm sóc nơi ở chung của chúng ta, Ngài nói những phản ảnh và những hành động đáp ứng cho cơn khủng hoảng khí hậu trên thế giới ngày càng trở nên thiếu sót.
Tông thư Laudato Sí kêu gọi chúng ta lắng nghe “tiếng kêu than của trái đất và tiếng kêu khóc của người nghèo,” Ngài nói, trong khi đó Tông huấn Laudato Deum chú trọng đến cơn khủng hoảng về khí hậu. Các giám mục trên thế giới được kêu gọi chia xẻ tài liệu này cho các giáo sĩ và giáo dân.
Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô nói rằng kinh nghiệm cá nhân và những bằng chứng khoa học đã cho thấy rằng cơn khủng hoảng khí hậu đã đến lúc quá lớn lao và mang lại những tai hại trầm trọng, và các chính phủ quốc gia đã làm cho ta thất vọng trong khả năng đáp ứng nhu cầu giải quyết khủng hoảng này. Việc giải quyết đòi hỏi một phương thế mang nhiều lãnh vực, Đức Giáo Hoàng nói, kể cả những thay đổi về phương diện cá nhân và văn hóa, những liên kết, những thỏa thuận hoàn cầu và một chính sách đa phương thực sự có quyền hành, cũng như sự đồng tâm quyết chí theo đuổi một mục đích.
Ngài nhấn mạnh rằng việc thay đổi khí hậu là điều không thể phủ nhận được và những hậu quả của nó đã trở nên rõ ràng, cho dầu có nhiều cố gắng giảm thiểu hay phủ nhận hoặc châm biếm. Thực tế đã hiển nhiên, và tất cả đều là do hành động của con người. Ngoài ra, các tai hại ngày càng gia tăng nhanh chóng hoặc là theo đà thiên nhiên sẽ không trở lại được. Và mặc dầu có thể không có cách gì sửa chữa mọi tai hại và đổ nát, Đức Thánh Cha tin rằng chúng ta vẫn có thể thực hiện một số điều để ngăn ngừa những khủng hoảng lớn lao hơn.
Tìm Kiếm Những Giải Pháp Dài Hạn
Đức Giáo Hoàng viết tiếp: “Những gì đòi hỏi nơi chúng ta không gì khác hơn là một số trách nhiệm đối với gia sản mà chúng ta sẽ để lại, khi chúng ta ra đi.” Ngài viết tiếp: “Tất cả mọi sự đều liên hệ với nhau” và “không ai được cứu sống một mình,” và Ngài đã dùng cơn đại dịch COVID như một thí dụ.
Chúng ta có thể nghĩ rằng kỹ thuật và sức mạnh kinh tế có thể giải quyết mọi vấn đề, như thể “khả năng con người có thể phát triển vô hạn nhờ kỹ thuật,” Ngài nói. Ngài còn nói thêm rằng thật “rất nguy hiểm” khi nhiều quyền lực trên các tài nguyên tập trung vào một số ít người. Đức Giáo Hoàng ghi nhận rằng chúng ta đang bị dìm vào tình trạng mà Ngài gọi là “nguyên lý kỹ thuật” cho rằng thiên nhiên là một tài nguyên có thể được khai thác, mà quên rằng chúng ta là một phần chính yếu của thiên nhiên.
Ngài còn cảnh cáo rằng chúng ta phải suy nghĩ lại về quyền lực của con người và biết nhận ra rằng quá nhiều tham vọng không thể bền vững một cách chính đáng. Nếu chúng ta để cho mình bị lôi cuốn vào tâm trạng “được lời lãi tất cả mà không phải trả” thì “không còn ai quan tâm gì cho ngôi nhà chung của chúng ta.”
Đức Giáo Hoàng nói rằng việc các quốc gia trên thế giới cộng tác với nhau là một điều cần thiết cho việc đáp ứng các nhu cầu về khủng hoảng khí hậu. Biến cố sắp đến COP28 ở Dubai, do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, là một thời điểm quan trọng cho thấy rằng những nỗ lực từ năm 1992 là những điều “nghiêm chỉnh và thỏa đáng.”
Ở gần cuối tập sách, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng chúng ta cần vượt qua khuynh hướng đi tìm những giải pháp riêng rẽ. Ngài nói điều quan trọng cho những người cần phải can thiệp vào việc tìm giải pháp là nghĩ đến những lợi ích chung và tương lai của con cái “hơn là những sở thích ngắn hạn của một số quốc gia hay cơ sở” vì “vào thời điểm này, những gì giúp họ duy trì được quyền lực, trong khi chỉ cho thấy là họ không có khả năng can thiệp và hành động, là những điều họ cần phải làm?”
Trong phần sau cùng, mang tựa đề “Những Động Lực Thiêng Liêng,” Ngài nhắc nhở các tín hữu Công giáo “về những động lực do Đức tin mang lại” và trách nhiệm chăm sóc các tạo vật của Chúa. Ngầm hiểu trong những trách nhiệm này là việc tuân giữ các luật thiên nhiên và ghi nhận vẻ đẹp và sự phong phú của tạo vật do Chúa dựng ra. Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng ta cùng đồng hành và cùng cộng tác với nhau trong việc hòa giải với thế giới là nơi chúng ta cư ngụ.
LỜI NGUYỆN CẦU THEO TÔNG HUẤN LAUDATE DEUM CỦA ĐGH PHAN-XI-CÔ
Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ngợi khen Ngài, Đấng Tạo Thành muôn loài,
Đấng bày tỏ ý nghĩa nhiệm mầu của Ngài qua “từng chiếc lá,
nơi con đường mòn trên vách núi, trong từng giọt sương rơi,
trong từng khuôn mặt của những người nghèo khó.”[1] Chính Đức Giêsu, Con Cha, đã dạy chúng con biết chiêm ngưỡng,
Như chính Người đã chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các loài thụ tạo, khi Người đi qua các vùng đất khác nhau. [2]
Lạy Thiên Chúa, chúng con cầu xin Ngài khơi dậy nơi chúng con
một ý thức tôn kính về mối liên kết vô hình của chúng con với toàn thể thế giới được tạo thành.
Chúng con cầu xin ơn khiêm nhường —
để nhớ rằng chúng con cũng được tạo thành và chúng con không phải là chủ nhân của sự sáng tạo.
Chúng con cầu xin có một lòng cảm mến —
để mở rộng đôi mắt và tâm hồn đón tiếp những người phải rời bỏ nhà cửa do hạn hán và do mực nước biển dâng cao.
Chúng con cầu xin ơn sám hối —
để những khát vọng quyền lực và thống trị nơi chúng con có thể được biến đổi thành phục vụ.
Chúng con xin ơn sống đơn sơ —
và ý chí từ bỏ lòng tham của chúng con, vì điều này tác động đến những người dễ bị tổn thương ở khắp mọi nơi.
Chúng con cầu xin cho ơn hoán cải về văn hóa —
để chúng con có thể đơn giản hóa lối sống của mình, giảm ô nhiễm và lãng phí, đồng thời khi đưa ra một quyết định nào đó, được thực hiện trong sự thận trọng.
Chúng con cầu xin những thay đổi chính sách —
rằng với tư cách trong một quốc gia và thế giới, chúng con có thể cùng nhau hợp tác để đảo ngược tiến trình biến đổi khí hậu.
Lòng chúng con đau thắt khi suy gẫm:
“Thế giới ca hát về một Tình yêu vô hạn: làm sao chúng con có thể không quan tâm đến nó?” [3]
Lạy Thiên Chúa, chúng con ngợi khen Ngài,
Chúng con tin tưởng rằng Chúa hành động trong tâm hồn chúng con và thông qua các hành động của chúng con, để chúng con có thể chăm sóc tốt hơn cho ngôi nhà chung của chúng con. Amen.
1 Tông Huấn Laudate Deum, trích dẫn Tông thư Laudato Si’, số 233.
2 Tông Huần Laudate Deum, số 64, trích dẫn Laudato Si’, số 97.
3 Tông Huần Laudate Deum, số 65.