Share this story


Linh Mục Angelbert Chikere, Giám Đốc Văn Phòng Sự Sống, Công Lý, và Hòa Bình |  Fall 2023

Tóm Lược 7 Nguyên Tắc về Học Thuyết Xã Hội Công giáo

Trong một thế giới đầy dẫy những tư tưởng, quan niệm ngày càng thiên về xã hội, chính trị, kinh tế, Giáo Hội tìm về cội nguồn Đức tin để hướng dẫn trước một thế giới đầy chia rẽ. Dựa vào sự phấn khởi qua lời mời gọi kết thúc Thánh lễ, “Hãy ra đi bình an, hãy làm vinh danh Chúa qua cuộc sống,” Giáo Hội cho thấy một điều bí mật: đó là Học thuyết Xã Hội Công giáo (CST).

 

Trong vòng một thế kỷ qua, qua các tông huấn của mình, các Giáo Hoàng đã kêu gọi người Công giáo xét lại vai trò của mình, về phương diện cá nhân và cũng như cộng đồng, khi bước qua ngưỡng cửa Đức tin và chính trị-xã hội.  Học thuyết Xã Hội Công giáo có 7 nguyên tắc hướng dẫn sau đây.


Sự Sống và Phẩm giá Con Người

Sự sống và phẩm giá con người là nền tảng cho mọi nguyên tắc kia. Sự sống là thánh thiện, và quyền được sống là điều bất khả xâm phạm.  Mọi người đều được coi là quý trọng, và nguyên tắc này giải thích tại sao chúng ta được kêu gọi cổ võ cho một nền văn hóa dựa trên sự sống. “Do đó, tất cả những gì đe dọa phẩm giá và sự sống đều phải là điều quan tâm của Giáo Hội.” (Thánh Gioan Phao-lô II, Tông huấn Phúc Âm Sự Sống, 3).

Chăm Sóc các Tạo Vật của Chúa

Như Đức Giáo Hoàng danh dự Benedict XVI đã nhắc nhở chúng ta, chúng ta được kêu gọi gìn giữ trái đất là nhà chung của chúng ta, “Trên trái đất này có chỗ cho mọi người… Đồng thời chúng ta phải biết nhận trọng trách của mình để giao lại cho các thế hệ tương lai trong những điều kiện mà họ xứng đáng cư ngụ và tiếp tục trau dồi nó.” (Tình Yêu trong Sự Thật, 50)

Quyền Lợi và Trách Nhiệm

Mỗi người có những quyền lợi riêng của mình, nhất là quyền được sống, và phải có được những phương tiện để phát triển nó.  Những nhu cầu căn bản như thực phẩm, quấn áo, nhà ở, được nghỉ ngơi, được chăm sóc y tế v.v…  bảo đảm cho phẩm giá con người.  Chúng ta có trách nhiệm phải tìm kiếm phương tiện cho người khác và cho chúng ta, và cho quyền lợi chung. “Xác định quyền lợi của một người mà bỏ qua trách nhiệm của người ấy hay chỉ làm nửa vời, thì cũng như xây một căn nhà bằng một tay rồi tay kia phá bỏ nó.” (ĐGH Gioan XXIII, Hòa Bình trên Thế Giới, 30).

Lời Mời Gọi cho Gia Đình, cho Cộng Đồng, và Kêu Gọi Tham Gia

Được sinh ra với bản chất sống xã hội, chúng ta sống với nhau và chăm sóc nhau, bắt đầu từ trong gia đình.  Chúng ta phải giúp đỡ việc hoàn thành và tham gia của xã hội xứng với phẩm giá con người.  Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã dạy, gia đình Ki-tô giáo “phải phục vụ con người và phục vụ thế giới… để tạo ra con người trong yêu thương và thể hiện tình yêu trong mọi người để không chỉ sống cho mình, nhưng sống với cộng đồng, quan tâm và ước muốn công lý cho mọi người, cũng như lưu tâm về những trách nhiệm của mình đối với cả xã hội nói chung.” (Tông huấn về Gia Đình, Familiaris Consortio, 64)

Liên Kết

Người Công giáo được kêu gọi sống yêu thương tha nhân và nhìn thấy mình trong tha nhân, sẵn sàng hy sinh cho tha nhân, bất kể họ thuộc màu da gì, chủng tộc gì, quốc tịch gì, hay tín ngưỡng gì.  Chúng ta luôn được kêu gọi để cùng đi với tha nhân. “Liên kết không phải chỉ là một cảm tình mơ hồ hay là một sự cảm thông hờ hững khi thấy người khác gặp tai ương… nhưng là một quyết chí vững vàng và sẵn sàng dấn thân để mưu cầu lợi ích cho người khác. Và điều đó có nghĩa là lợi ích cho mọi người và mỗi người, vì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với mọi người.” (Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, Tông huấn Người Mẹ và Người Thầy, Mater et Magistra, 157)

Phẩm Giá của Công Việc và Quyền Lợi của Người Làm Việc

Làm việc phải được hiểu là một quà tặng để tham dự vào việc tạo dựng thiên nhiên của Chúa, và chúng ta có quyền được chia xẻ món quà ấy.  Công việc là để cho con người chứ không phải con người được dựng nên vì công việc. Trong nhiều trường hợp, sự nghèo đói xảy ra khi có sự vi phạm phẩm giá của công việc, hoặc vì không đủ cơ hội làm việc hay vì con người bị lạm dụng và khai thác, “vì giá trị không được đặt đúng mức cho công việc và quyền lợi mang lại, nhất là quyền được trả lương cân xứng và sự an toàn của người làm việc và gia đình họ.” (ĐGH Benedict XVI, Tình Yêu trong Sự Thật, Caritas in Veritate, 63)

Sự Chọn Lựa với Người Nghèo và Người Yếu Kém

Trong một xã hội mang vết tích của sự phân biệt giữa người giàu và người nghèo, truyền thống Công giáo kêu gọi chúng ta chăm sóc người nghèo và những người sống bên lề xã hội, như Chúa Giê-su đã làm.  Điều này có nghĩa là chúng ta đưa tay lên với họ, chứ không phải chỉ đưa tay ra, trong khi đặt ra những câu hỏi căn bản: Tại sao những người này nghèo?  Đâu là những nguyên do mà Giáo Hội và xã hội có thể giải quyết?  Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô luôn nhắc nhở chúng ta rằng “Tình yêu đối với người nghèo luôn luôn là trung tâm của Thánh kinh.” (Bài Nói Chuyện với Hội Nghị thế giới Các Phong Trào Dân tộc, ngày 28 tháng 10 năm 2014)


7 nguyên tắc về Học thuyết Xã Hội Công giáo vẫn là những nguyên tắc hướng dẫn Giáo Hội. Sứ điệp nuôi dưỡng này của Giáo Hội, vừa lâu đời nhưng cũng còn rất mới, vẫn mang một giá trị hiển nhiên, dầu trải qua bao thời gian.  Xin cho tất cả chúng ta được đón nhận và ôm ấp lời mời gọi để tìm thấy giải pháp tôn trọng phẩm giá con người và mang lại liên kết qua sứ mệnh của Giáo Hội, theo gương Chúa Ki-tô.


Theo Tài liệu “7 Chủ Đề Xã Hội Công Giáo” của Hội Đồng Giám Mục Hoa kỳ.