Share this story


Gieo Hạt Cho Người Khác Hái Quả

Chân Dung Người Môn Đệ Truyền Giáo: Bà Sharon L. Miller, Giám Đốc Xã Hội Cơ Quan Bác Ái Công giáo Nhà thờ Chính Tòa, và Chương trình Tái Hội Nhập (Nhịp Cầu Hy Vọng)

“Mỗi người là một món quà thánh thiện và đặc biệt, bất cứ ở tuổi tác nào và hoàn cảnh nào.  Chúng ta hãy luôn tôn trọng và đề cao cuộc sống! Chúng ta đừng coi rẻ và phung phí cuộc sống.” ĐGH Phan-xi-cô, ngày 29 tháng 1 năm 2023.

 

Bà đã làm trong Chương trình Hội Nhập Bridges of Hope (Nhịp Cầu Hy Vọng) giúp đỡ những người mới được phóng thích tái hội nhập xã hội bao lâu?

Tôi làm trong Chương trình này từ năm 2011 khi tôi được mời tham gia với tư cách đại diện Công Giáo và cho những người mới được phóng thích. Tôi đã giúp thành lập Chương trình Tái Hội nhập và Chương trình Bridges of Hope (Nhịp Cầu Hy Vọng) hoạt động trong Quận hạt này. Nhờ sự quan phòng của Chúa, khi tôi mới tham gia thì Văn phòng Cảnh Sát Quận Santa Clara cũng mới tổ chức chương trình cung cấp các dịch vụ phục hồi qua các tổ chức tôn giáo, vì họ nhận ra rằng việc liên kết những người mới được phóng thích với những người tuyên úy có cơ hội mang lại thành công nhiều ơn.

Bà có những kinh nghiệm gì về ảnh hưởng mà Chương trình này mang lại và những khó khăn trong khi thi hành Mục Vụ này?

Trong vòng 42 năm qua tôi đã chứng kiến nhiều thay đổi.  Chẳng hạn như vào những năm trong thập niên 1980, các dịch vụ của Quận hạt gia tăng, tuy nhiên vào thập niên 2000 các dịch vụ lại giảm, và hiện nay chúng ta không có đủ nhà cửa và những trung tâm chăm sóc, so với nhu cầu. Việc chữa trị những vết thương của thời gian tù tội nơi những người mới được phóng thích là một con đường dài, và việc chuẩn bị cho họ tái hội nhập vào xã hội phải được bắt đầu trước khi họ được phóng thích. Tôi phấn khởi thấy rằng các nhà tù trong Quận hạt của chúng ta đang chuyển đổi tử những biện pháp trừng phạt sang những biện pháp phục hồi. Chương trình Nhịp Cầu Hy Vọng mang đến cho những người mới được phóng thích một hoàn cảnh dịu dàng và ôn hòa để giúp họ vượt qua khủng hoảng và có thể trở lại bình thường với những dịch vụ giúp họ ổn định.

Tại sao người Công Giáo phải quan tâm đến việc tái hội nhập?

Việc Giáo Hội Công Giáo tôn trọng sự sống đòi hỏi ta phải xây dựng những cộng đồng có lòng tha thứ và tìm cách san bằng những yếu tố kinh tế để duy trì một xã hội thích hợp lâu dài.  Nếu Giáo Hội  không có sứ mệnh này, cộng đồng của chúng ta sẽ mất đi sự liên kết nhân bản, không tạo được khả năng phát triển, không quy tụ nhau, không chăm sóc và chữa lành cho nhau, và không có tình nhân loại.

Bà có thể cho biết có lúc nào Bà thấy có một “văn hóa coi rẻ” mà Đức Giáo Hoàng cảnh báo về việc tái hội nhập không? Bà có kinh nghiệm gì về việc ấy?

Theo kinh nghiệm của tôi, một nền văn hóa coi rẻ, phung phí mà ĐGH nói đến dành cho những người mới được phóng thích, những người già vô gia cư, - và ngay cả các gia đình – và những người bị bệnh tâm thần và những người nghiện ngập đang sống trên các đường phố ở Hoa Kỳ.  Điều mà tôi học được là: người Công giáo chúng ta, tin vào những cảnh báo của Đức Thánh Cha, cần đối phó với tệ nạn này bằng cách cộng tác với nhau để giải quyết hoàn cảnh khó khăn và khó xử hiện nay, chẳng hạn như việc đáp ứng thích hợp với một số người không muốn được giúp đỡ và những người bị bắt vì bệnh tâm thần hay vì nghiện ngập.  Có thể nào chúng ta để cho họ sống một cuộc sống vất vưởng trong hoàn cảnh vô gia cư như thế?

Bà có thể nói thêm về những cơ hội tình nguyện cho các linh mục, tu sĩ, và giáo dân không?

Nếu một giáo dân hay một linh mục muốn tham gia làm tuyên úy hay thăm các trại cải huấn, họ có thể liên lạc với Văn Phòng Công Lý Phục Hồi của Giáo Phận San José.  Dành thì giờ cho những người đang bị tù cho ta thấy được hy vọng.  Cần có những sinh hoạt học hỏi Phúc âm và những cơ hội giao tiếp, với sự tham gia của cộng đồng.  Một khi tâm hồn được nuôi dưỡng, cuộc sống sẽ khởi đầu.

Bà có thể cho biết là Bà đã thay đổi thế nào về phương diện cá nhân trong thời gian Bà tham gia chương trình này không?

Khi tôi còn là một y tá trẻ làm việc ở Nhà thương O’Connor, Cha Jerry Helfrich, Cha sở Nhà thờ Chính tòa St. Joseph lúc bấy giờ, đã gây phấn khởi cho tôi, vì Ngài rất thương những người vô gia cư và các tù nhân.  Ngài còn giới thiệu cho tôi biết về Chương trình Mục vụ của Cha Greg Boyle là người sáng lập Chương Trình Homeboys Industries.  Chương trình này đã giúp cho hàng ngàn những người băng đảng biến cải cuộc đời họ một cách tốt đẹp.  Năm nay tôi đã được gặp Cha Greg trong một cuộc tĩnh tâm!  Tôi xin được nói lại một câu nói của Ngài:  “Cách để ta đo được sự hưng thịnh của một cộng đồng là khi họ ngỡ ngàng nhìn thấy những gì người nghèo phải gánh chịu, hơn là đánh giá họ phải chịu như thế nào.”

Sau cùng, nếu phải dùng một chữ để diễn tả Mục Vụ của Bà thì Bà sẽ nói gì, và tại sao?

Tình yêu, vì chính những người đã trải qua các trại tù nhiều năm và những người vô gia cư đã có lần nói với chúng tôi rằng chúng tôi là những người thật sự yêu mến họ. Trong câu nói sửng sốt đó, chúng ta tìm thấy một lời kêu gọi cho mọi người Công giáo để tìm hiểu về việc tái hội nhập dựa vào Đức tin, qua việc tiếp xúc với những người đang tìm cách tái hội nhập vào cộng đồng với những phương tiện tài chánh để xây dựng lại và những nâng đỡ thiêng liêng và tinh thần đề cùng đi chung trong cuộc hành trình.  Khi tôi hướng dẫn một người đồng nghiệp hay một người tình nguyện thuộc Dòng Tên đang gặp khó khăn vì người họ đang giúp không đạt được kết quả, tôi nói với họ: “Anh (hay Chị) đã gieo được hạt.  Cứ để cho hạt giống ấy như thế. Tưới nước vào. Người mà Anh (hay Chị) giúp cho sẽ hái được quả, dầu cho là tới mùa năm sau.”


Bà Sharon Miller là Phụ tá về Mục Vụ và là Giám Đốc Chương Trình Mục Vụ Xã Hội của Nhà Thờ Chính Tòa, với hơn 40 năm kinh nghiệm làm việc cũng như sinh họat tại Giáo xứ Nhà thờ Chính tòa St. Joseph.  Bà còn có kinh nghiệm giúp thành lập một số tổ chức bác ái và tham gia Hội Đồng Quản Trị cũng như thiết lập một vài tổ chức xã hội trong Quận hạt Santa Clara.  Hiện Bà đang là Giám Đốc Cơ quan Bác ái Công giáo (Catholic Charities) và quản trị Chương trình Bridges of Hope (Nhịp Cầu Hy Vọng) là chương trình giúp đỡ những người mới được phóng thích từ các trại cải huấn để giúp họ trở về đời sống bình thường trong xã hội.