Share this story


Những Hình Ảnh nơi Tạm Trú: Sống Vô Gia Cư ở Silicon Valley

Cách đây hai tháng, tôi thoát ra khỏi một hoàn cảnh bạo lực gia đình và đến ở một trung tâm tạm trú dành cho những gia đình và những người phụ nữ giống như tôi.

Trong những ngày đầu tiên ở đây, tôi thấy lòng tê tái, và trong thời gian mấy tuần lễ tôi chẳng muốn nhìn vào mặt ai, vì tôi chưa bao giờ sống vô gia cư và cũng chưa bao giờ sống chung với những người xa lạ đang mắc bệnh thần kinh, từ những người bị bệnh triền miên, những người vui buồn bất chợt, kể cả những người dùng bạo lực. Tôi cảm thấy vừa sợ hãi vừa an tâm được thoát ra khỏi một tình huống không còn chịu đựng được nữa trong gia đình.

Hai tháng sau, tôi mới bắt đầu nhìn vào những người khác, và chào hỏi mấy người đàn bà và nhân viên làm việc ở đây. Mấy người đàn bà tỏ ra vui vẻ với tôi mỗi khi tôi đi làm về hay đi thăm các con tôi trở về, những điều mà tôi chưa hề thấy trong những ngày tôi sống với bạo lực trước đây.  Mỗi ngày tôi sống ở trung tâm dành cho người vô gia cư là những ngày khó khăn, nhưng cũng đầy ân huệ.

Ban Ngày

Mỗi tuần tôi gặp người cán sự, chỉ bằng nửa tuổi tôi, là người giúp tôi một cách thật khôn ngoan.  Cô ấy đã giúp tìm được các dịch vụ của County.  Cô cũng là người Ki-tô giáo, nên tôi cảm thấy gần gũi hơn.

Hành Lang.  Nếu phải dùng danh từ gì tương đương với chỗ tạm trú này, tôi phải dùng chữ “hành lang.”  Đối với những gia đình ở tầng dưới, hành lang có cửa ra vào.  Ở tầng trên, và với những người đàn bà như tôi, có những tấm màn treo cao như màn ở nhà thương, ngăn chia từng khu vực riêng tư của mỗi người.  Mỗi người được phân chia một chỗ ngủ, một tủ nhỏ, và một cái bàn nhỏ; trong một khu riêng biệt như thế.

Trên tường hành lang là những tấm bích chương nói về các dịch vụ săn sóc y tế, các cơ quan hay tổ chức hỗ trợ, và các tài liệu hướng dẫn tự chăm sóc. Hầu hết những tài liệu quảng bá về nhà ở đều có mức lợi tức tối thiểu hơn gấp đôi lợi tức của tôi. Rõ ràng là không có giải pháp gì cho những gia đình mà cả hai cha mẹ đều thất nghiệp, hay có người đi làm mà lợi tức dưới mức tối thiểu, ngoại trừ nhà tạm trú như ở đây với chỗ ở cho 15 người.

Chỉ có một điều kiện cho những người tạm trú ở khu này là họ phải thu dọn mỗi ngày và mọi người phải làm cùng một lúc.  Lúc này là lúc chúng tôi phải giao tiếp với nhau, chẳng hạn như nói “Xin lỗi,” hay “Coi chừng, sàn nhà còn ướt,” hay là “Có cần tôi giúp không?” Thật là một khu vực riêng tư đặc biệt.

Ban Đêm

Ban đêm thì mọi việc không được tốt lắm. Dầu có giới nghiêm hay không, mỗi người đều phải đối phó với những đau khổ riêng, những khủng hoảng, hay những ám ảnh riêng.  Có người chỉ muốn cho những người khác thức giấc.  Có một người đàn bà hay la lối hay chửi bới bằng những câu tục tĩu.  Có người thì đi vào phòng tắm và giội nước hàng giờ hoặc cho đến khi có người nhân viên nghe được và tắt đi.  Rồi khi mọi sự trở nên yên lặng và thực tế của cuộc sống trong một trung tâm tạm trú trở về, không còn con cái, tôi lại cảm thấy thật khó lòng mà trải qua.

Những người ở đây còn có may mắn có một cái thang cứu hỏa và một cái bàn khá lớn đủ cho hai người ngồi, nên đôi khi tôi ngồi trầm tư.  Có một người đàn bà cũng lớn tuổi như tôi, đôi khi chúng tôi ngồi kể chuyện đời với nhau. Bà ấy cũng là nạn nhân của bạo hành gia đình, theo như Bà ấy nói. Vào buổi tối, chúng tôi ngồi xem mấy chiếc máy bay hạ cánh xuống Phi trường Mineta ở San José.

Buổi sáng

Đối với tôi, nhờ ơn Chúa, mỗi buổi sáng tôi lại thấy như được bắt đầu lại, mặc dầu buổi sáng thường qua mau, và bây giờ mùa Thu đã bắt đầu, buổi sáng thường bắt đầu khi trời còn tối mịt. Bữa ăn sáng, cũng như những bữa ăn khác trong ngày đều là những bữa ăn tồi tệ, nhất là đối với tôi, vì trước đây tôi may mắn lúc nào cũng có sữa và trái cây tươi.  Bây giờ ở trung tâm này không còn nữa. Trước đây tôi không hề biết có việc thiếu thức ăn, tôi thường cho rằng ai cũng đủ ăn. Tôi có ý định rời chỗ tạm trú này vào một buổi sáng, nhưng tôi cũng không biết tại sao tôi làm thế.

Cách đây khoảng một tuần, tôi tham dự Thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Gioan Vianney. Tôi thường thích xem lễ hay cầu nguyện ở những nhà thờ cũ ở San José.  Một người vô gia cư có mặt ở một địa điểm lịch sử là điều tôi trân trọng hơn, nó làm cho tôi cảm thấy tôi là một phần tử của Giáo Hội Công giáo có lịch sử lâu đời, và tôi là kết quả của lịch sử đau buồn của tôi.

Vào lúc chúc bình an, tôi ra dấu cho những người xa lạ chung quanh. Tôi đã cầu nguyện cho những người đàn bà ở trung tâm tạm trú, và cho chính cá nhân và hoàn cảnh của tôi.  Có lúc tôi cảm thấy không ai có thể nhìn thấy tôi mà biết được tôi là người vô gia cư.  Đó là một bài học cho thấy là ta không thể nào biết được những người tham dự Thánh lễ và những gì họ phải trải qua.

Trong Thánh lễ ấy, chúng ta đến với nhau như những người chịu đau khổ, và nơi đó, trong nhà Chúa, chúng ta không bao giờ là người vô gia cư.


Từ sau câu chuyện có tính cách chứng tử kể trên, Báo The Valley Catholic được biết là tác giả “ẩn danh” ở trên đã tìm được chỗ ở mới.