Share this story


Carlos Flores, RN Y Tá Phụ trách Cộng Đồng Đức Tin |  November 2023

Đi Tìm Niềm Tạ Ơn Trong Đau Khổ

Lưu ý: Bài này có thể gây ảnh hưởng về sự chết, hoặc khủng hoảng về thể chất hay tâm thần, đau buồn thương tiếc hoặc mất mát.

Trong 35 năm làm y tá trong ngành trẻ em bị chấn thương và là y tá phụ trách khu vực cộng đồng Đức tin, tôi và các đồng nghiệp của tôi có phước được cứu chữa, an ủi, cũng như đã chịu đựng nhiều đau khổ cùng với nhiều người, qua những đau khổ vì bệnh tật và thương tích của họ. Chúng tôi cũng đã trải qua những hoàn cảnh rất đau khổ và đáng thương.

Một người y tá phụ trách Cộng đồng Đức tin được huấn luyện để làm việc với các nhà thờ, các nhóm tôn giáo, và các chương trình sinh hoạt Đức tin.  Chúng tôi tận tâm phục vụ bằng tinh thần trong cương vị của chúng tôi, hoặc được trả lương hay làm tình nguyện, và phải hội đủ và cập nhật hóa các điều kiện về nghề nghiệp để giữ bằng hành nghề.

Trong những ngày lễ gần cuối năm, tôi thường có cơ hội để suy nghĩ lại và tìm thấy niềm tạ ơn, mặc dầu trong nghề nghiệp của tôi nhiều lúc tôi gặp những hoàn cảnh khó khăn trong đời sống của các bệnh nhân mà tôi phục vụ.

Cứu Chữa

“Cứu chữa” có nghĩa là chăm sóc một người nào về phương diện thể chất, tâm thần, hay về phương diện thiêng liêng. Trong phạm vi cứu chữa về thể chất, y khoa ngày nay thường bỏ quên phương diện tâm linh.  Chúng ta là những con người có đời sống thiêng liêng, do đó, việc giao tiếp với tinh thần, với linh hồn là điều quan trọng nếu muốn việc chăm sóc được đầy đủ (wholistic, chứ không phải chỉ là holistic).  Nếu làm được như thế, chúng ta mới tìm được sức khỏe thể chất và tinh thần trong khi sống với một cơn bệnh nguy hiểm hay trải qua một thương tích nặng nề.

Và đôi khi, phép lạ cũng xảy đến!  Chẳng hạn như khi tôi còn phụ trách khu vực trẻ em bị chấn thương, tôi còn nhớ có một trường hợp một em bị thương nặng trên đầu nguy hiểm đến tính mệnh. Tôi đã đến thăm em ở khu chăm sóc đặc biệt (PICU, Intensive Care Unit) rồi cầu nguyện cho em cùng với người mẹ và người dì bên cạnh giường em.  Sáng hôm sau hình CT scan (hình chụp vi tính) trên sọ não của em cho thấy em không bị chảy máu như tối hôm qua nữa. Tôi còn nhớ người bác sĩ khi nhìn vào hình chụp đã nói: "Tôi không thấy gì; tối hôm qua thì có.” Chúng tôi cho đó là một phép lạ.

Chăm sóc, An ủi, và Chia xẻ Khổ Đau

Một ngày kia có một đứa bé trai 12 tuổi được chở vào nhà thương với vết thương khá năng vì bị tai nạn xe hơi. Trong khi làm phiếu bệnh lý cho em và giám định hệ thống thần kinh, tôi hỏi em, “Điều gì cháu nhớ nhiều nhất trước khi cháu bị bất tỉnh?” Nó trả lời, “Mẹ cháu la thất kinh.” Mẹ nó đã bị chết trong tai nạn này, và lúc đó tôi bỏ tờ phiếu ghi xuống, nắm tay em và ngồi yên cầu nguyện.  Ngày khác, tôi phải nói với bà ngoại của một em nhỏ khác là em đã chết.  Bà ôm tôi khóc nức nở trong khi tôi giao xác đứa nhỏ bọc trong tấm chăn còn ấm cho bà. Tôi cũng khóc như bà, nhưng sau đó cảm thấy được an ủi nhờ Đức tin của tôi và nhớ lại lòng thương cảm của Chúa vì cũng như chúng ta, “Chúa Giê-su đã khóc” (Gn. 11: 35)

Cũng như nhiều người khác, tôi cũng phấn đấu để hiểu được những lúc khổ đau trong liên hệ với Chúa. Trong khi tìm hiểu về sự đau khổ cứu chuộc trong những năm tháng qua, tôi nhận ra rằng nhờ ơn Chúa, đau khổ có thể trở nên những điều có ý nghĩa vô cùng và có ích lợi cho ta.  Đau khổ có thể làm cho ta sống gần Chúa hơn, vì Ngài đã chịu đau khổ vô ngần, và tạo một lòng cảm mến siêu việt và lòng ước muốn được chăm sóc và an ủi người khác.

Niềm Tạ Ơn trong Đau Khổ

Tôi tạ ơn Chúa vì ân huệ được mang lòng cảm mến và khả năng chia xẻ đau khổ với người khác. Tôi bị bệnh trầm cảm.  Kết hợp những đau khổ cá nhân với đau khổ của những người khác giúp tôi tận tâm hơn để chia xẻ những đau khổ về tình cảm, về tâm lý, hay thể chất của những người khác.  Kết hợp thập giá của tôi với Thập giá của Chúa, tôi có thể giúp đỡ và yêu mến người khác một cách chân thành hơn.

Chịu đau khổ giúp tôi hiểu được rằng cuộc đời không phải chỉ là cho chúng ta.  Đau khổ có thể làm cho ta trở nên những con người tốt hơn, nếu chúng ta biết nhìn mọi hoàn cảnh qua lăng kính Tình yêu của Chúa.  Những người hiểu được như thế thường tỏ ra biết ơn hơn. Những người đồng nghiệp Công giáo của tôi trong ngành chăm sóc y tế, tất cả những người chịu đau khổ, và chính tôi có thể chứng nghiệm được rằng chúng tôi tìm thấy niềm tạ ơn và lòng biết ơn qua những hoàn cảnh khó khăn và đau khổ.  Mỗi ngày chúng tôi tiếp tục nhận ra là trong những hoàn cảnh khó khăn và đau khổ của con người luôn có một lời mời gọi để đi xa hơn trên con đường yêu mến Chúa và đi xa hơn trong việc cảm mến và yêu thương người khác.


Carlos Flores, (Y tá) là một giáo lý viên thâm niên trước đây được chỉ định làm trưởng ngành Mục Vụ ở Giáo Phận Fresno vào năm 2014. Ông có hơn 40 năm kinh nghiệm làm Mục vụ Công giáo trong các sinh hoạt mục vụ và truyền thông khác nhau có ảnh hưởng đến hơn 100,000 người. Sau khi về hưu, Ông và vợ ông là Bà Sally dọn nhà sang Flynt, Texas, và nay Ông làm Y tá phụ trách phục vụ các Cộng Đồng Đức tin. Hai Ông Bà là giáo dân của Giáo xứ St. Mary Magdalene.