Share this story


 | Bishop Oscar Cantú

Thư của Giám Mục - Cuối Hè 2024

Thân gửi Gia Đình Giáo Phận San José, 

Vào đầu những năm 1960, khi cha mẹ tôi chuyển từ Illinois đến Houston, sau khi sinh hai đứa con đầu lòng ở Chicago, hai người Mêxicô bản địa đã tìm kiếm nhiều điều hơn ngoài việc muốn sống với những mùa đông ôn đới – họ muốn được gần gũi hơn với gia đình mình ở Monterrey, Mêxicô.

Mặc dù lái xe từ Texas đến miền bắc Mêxicô dễ dàng hơn là từ Illinois nhưng những chuyến thăm đó vẫn rất hiếm khi xảy ra. Cha mẹ tôi đã phải tạo dựng những mối quan hệ hỗ trợ mới ở Houston để có thể làm chủ được cuộc sống khi phải nuôi dạy tám đứa con ở một đất nước không phải quê nhà. Thật may mắn vì họ đã tìm thấy sự hỗ trợ này tại giáo xứ địa phương, xây dựng tình bạn bền chặt, lâu dài với những gia đình khác có hoàn cảnh, câu chuyện, nền văn hóa và giá trị tương tự.  Cho đến tận bây giờ, anh chị em tôi vẫn gọi những người bạn lâu năm này là “anh em họ” của chúng tôi. Mặc dù không cùng huyết thống nhưng chúng tôi chia sẻ giá trị, trải nghiệm, ân sủng từ Chúa và có cùng đức tin. Giáo xứ đã trở thành đại gia đình của chúng tôi.

Dựa trên trải nghiệm cá nhân này một phần nào đó nên tôi tin rằng giáo xứ có thể trở thành “đại gia đình”. Thánh John Paul II đã mô tả giáo xứ là gia đình của các gia đình. Vùng Vịnh Nam là nơi sinh sống của nhiều gia đình đến từ các quốc gia khác. Một số có đại gia đình ở gần nhưng đa số thì không. Ngay cả đối với những người có gia đình ở gần, tình bạn sâu sắc cũng rất quan trọng để mọi người cảm thấy được hỗ trợ về đức tin, giá trị và nỗ lực trong việc nuôi dưỡng gia đình trong thế giới phức tạp của chúng ta.

Khi Chúa Giê-su được tin gia đình Người đang tìm kiếm Người, Người đã đáp lại bằng lời dạy gây sốc nhưng sâu sắc rằng: “‘Ai là mẹ ta? Ai là anh em ta?’ Rồi Người đưa tay về phía các môn đệ của mình và nói: ‘Đây là mẹ ta và các anh em ta. Hễ ai làm theo ý muốn Cha ta ở trên trời, thì người đó là anh em, chị em ta, cùng là mẹ ta vậy.’” (Mt 12, 48-50, NABRE) Chúa Giê-su không chê bai mẹ hay anh chị em họ của Người. Thay vào đó, Người nhấn mạnh đến mối liên kết thiêng liêng của đức tin và tầm quan trọng của việc trở thành thân thể ở Chúa Ki-tô. Như Thánh Phaolô nói: Bây giờ, anh chị em là thân thể của Chúa Ki-tô, là các bộ phận của thân thể đó”. (1 Cor. 12:27 NABRE) Thật vậy, các Ki-tô hữu thời kỳ đầu coi nhau như anh chị em. Là các Ki-tô hữu đã được rửa tội, chúng ta được ràng buộc với nhau một cách siêu nhiên thông qua việc trở thành một phần của Nhiệm Thể Chúa Ki-tô. Mối ràng buộc này hiện diện trong tình bạn hiện hữu, tự nhiên của chúng ta. Đức Giáo Hoàng Phanxicô lưu ý rằng “các mối quan hệ gia đình [lành mạnh] đại diện cho một nguồn hỗ trợ độc đáo, không chỉ cho vợ chồng và con cái mà còn cho toàn thể cộng đồng giáo hội và dân sự”.

Các giáo xứ của chúng ta trở thành gia đình của các gia đình bằng cách nào? Thông thường là qua việc hướng đến các mục tiêu hoặc sự kiện chung, chẳng hạn như các lễ hội hoặc các buổi picnic của giáo xứ, làm tình nguyện với các hướng đạo sinh hoặc các nhóm thanh thiếu niên, hay tham gia vào phong trào Công Giáo tiến hành. Việc chia sẻ kinh nghiệm mang chúng ta đến gần nhau hơn. Những kinh nghiệm này sẽ truyền cảm hứng và thúc đẩy chúng ta kết nối sâu sắc hơn, nơi chúng ta có thể học tập và hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ, cha mẹ tôi đã tham gia Phong Trào Gia Đình Ki-tô Hữu Công Giáo (CCFM), nơi mà họ đã học được các kỹ năng giao tiếp và làm cha mẹ cần thiết cho cuộc sống gia đình cùng với các cặp vợ chồng Công Giáo khác, nhiều người trong số họ đã trở thành “cô dì” và “chú bác” của chúng tôi.

Với tâm niệm này, ước gì chúng ta không chỉ cùng nhau thờ phượng trong các giáo xứ của mình, mà chúng ta còn cố gắng xây dựng các gia đình mạnh mẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong mỗi cộng đồng giáo xứ của chúng ta. Hãy yên tâm rằng chúng ta không đơn độc trong hành trình này. Là một hệ thống hỗ trợ, mong rằng các cộng đồng giáo xứ của chúng ta luôn ở bên chúng ta, cho các gia đình sức mạnh và sự an ủi mỗi khi cần.

Đức Giám Mục Oscar Cantú